- Nếu luật cũ tiếp cận theo cơ chế "chọn - cho" thì luật sửa đổi sẽ chấm dứt cảnh DN, người dân phải đi "xin" đầu tư, sẽ không còn cảnh "thích thì được cho, không thích thì không cho" - Bộ trưởng KH-ĐT nói tại phiên họp QH sáng nay về dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi).


ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) chỉ ra sửa đổi căn bản của luật, đó là đổi phương pháp tiếp cận từ "chọn - cho" sang "chọn - bỏ". Tức, luật sẽ chỉ quy định những ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh bị cấm hay có điều kiện, những ưu đãi đối với đầu tư kinh doanh, với danh mục, điều kiện sẽ được xác lập đến chi tiết.

"Đây là đột phá cách mạng" - ông Lịch nói.

Đền bù tài sản DN sòng phẳng

Được bắt mạch, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh trải lòng, nếu theo cơ chế cũ, tức "chọn - cho", luật không thể ghi hết những thứ cần phải cho vì xã hội quá nhiều ngành nghề, thậm chí nhiều ngành nghề phát sinh mới. Nên mỗi lần chiểu nghị định, thông tư về danh mục ngành, nghề cho phép kinh doanh, đầu tư không có, DN, người dân lại phải đi xin cơ quan quản lý nhà nước.
{keywords}

"Nên xin thích thì cho, mà không thích thì không cho, làm cho tốn kém, không minh bạch. Chúng ta chuyển sang phương thức tiếp cận mới đó là chọn - bỏ, cực kỳ tiên tiến, minh bạch, nhưng vô vùng khó làm, chọn bỏ cái bị cấm ghì ghi vào trong luật, anh không ghi, anh thiếu có nghĩa tôi được quyền làm. Chọn - bỏ là thay đổi mạnh mẽ của Chính phủ, QH" - Bộ trưởng giải trình.

Với kỳ vọng luật sẽ tạo động lực đối với môi trường đầu tư VN, đem lại lợi ích cho DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ, tư nhân, DN khởi nghiệp, Bộ trưởng Vinh cho hay, để có được một danh mục tương đối giảm từ 386 xuống còn 272 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cơ quan soạn thảo đã làm việc miệt mài từ sau kỳ họp năm ngoái của QH. Theo đó, nỗ lực loại bỏ những quy định bất hợp lý, thủ tục rút gọn để quy định ngày càng minh bạch hơn, đi đến một điều "mọi thứ đều minh bạch, không xin cho gì cả".

Ông Vinh điểm một số quy định thay đổi mạnh mẽ "bảo hộ đầu tư" đối với các DN, kể cả DN trong nước và nước ngoài một cách minh bạch và phù hợp với các thông lệ thông qua các quy định cập nhật tất cả các quyền sở hữu của tài sản nhà đầu tư, cam kết bồi thường thỏa đáng, tài sản của DN một cách "sòng phẳng".

Hay bỏ tất cả các DN không phân biệt có giấy chứng nhận đầu tư hay không có giấy đều được đảm bảo quyền lợi khi chính sách thay đổi. Theo đó, chính sách thay đổi được áp dụng theo hướng có lợi hơn cho DN, nếu thay đổi theo hướng bất lợi cho DN thì DN được giữ nguyên ưu đãi của khi cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đây, còn nếu chính sách theo hướng lợi hơn thì DN được hưởng theo hướng có lợi đó.

Luật sửa đổi cũng không áp dụng bất cứ một thủ tục nào đối với tất cả dự án đầu tư trong nước.

"Đây không phải buông lỏng mà chúng tôi đã đối chiếu với tất cả các luật khác. Các luật chuyên ngành đã quy định quá chặt, cụ thể nên không nhất thiết làm lại, để cho thông thoáng, thuận lợi" - Bộ trưởng giải thích.

Đối với các ý kiến phát biểu xoay quanh việc vì sao không áp dụng bỏ thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng thẳng thắn nêu rõ "không thể nói cào bằng", DN nước ngoài khi mới vào phải chịu sự kiểm soát, các nước cũng làm vậy. "Sự kiểm soát là chính đáng, minh bạch, có rút ngắn thời gian" - ông cho biết thêm. Theo Bộ trưởng, sự kiểm soát cũng "đơn giản hơn", "quy trình rõ ràng hơn" đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đăng ký kinh doanh trên mạng. Quy trình trước đây kéo dài 45 ngày nay sẽ rút xuống còn 15 ngày.

"Bộ lọc" chưa kỹ?


ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, đột phá ấn tượng nhất của dự thảo luật là về thủ tục đầu tư, thực chất là sẽ không còn thủ tục. Tức quan niệm đầu tư và kinh doanh bản chất là một, và các nhà đầu tư sau khi đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh có quyền tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh mà không phải làm thủ tục nào cả.

{keywords}

Nhưng dù ca ngợi ban soạn thảo đã thiết kế một cơ chế " bộ lọc" là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án tiềm tàng có ảnh hưởng đặc biệt lớn về môi trường, dân cư, an ninh, quy mô vốn lớn, sử dụng đất..., ông Lộc vẫn băn khoăn.

Ông chưa thấy các dự án sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo (trừ dự án trong lĩnh vực dầu khí), dự án sử dụng nhiều năng lượng khan hiếm bị xếp vào diện phải lọc và đề nghị bổ sung thêm các nhóm dự án này vào diện phải xin chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, luật thiết kế được "quy trình lọc" nhưng lại chưa có "lưới lọc", tức là tiêu chí thẩm định. "Cơ quan thẩm định dựa vào đâu để kết luận đồng ý hay không đồng ý với việc đầu tư của người dân và DN? Nếu người dân, DN không đồng tình với cơ quan thẩm định thì dựa vào đâu để khiếu nại?" - ông đặt câu hỏi.

Chủ tịch VCCI đồng tình việc tiếp tục duy trì thủ tục giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để quản lý các dự án nước ngoài ở mức độ tối thiểu (nhận diện được họ đến từ đâu, đầu tư vào lĩnh vực gì, lớn tới đâu...) là bình thường và cần thiết. Các nhà đầu tư nước ngoài chân chính không phàn nàn gì thủ tục này.

Bởi lẽ, với tính chất khá đặc biệt về nguồn gốc vốn, sự ràng buộc khá lỏng lẻo giữa chủ sở hữu vốn với nơi đầu tư và nguy cơ dịch chuyển rất nhanh của dòng vốn ra khỏi lãnh thổ đầu tư, các dự án đầu tư nước ngoài luôn được đặt dưới sự kiểm soát nhất định ở hầu hết các nước.

Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng