- Bộ trưởng Bộ Y tế truy giám đốc Trung tâm tiêm chủng Polyvac (Hà Nội): "Tại sao vì vài trăm mũi tiêm mà làm náo động cả nước, khiến cả ngành y tế vất vả?"

Muốn bán nhưng không có hàng

Trong buổi gặp gỡ báo chí cuối năm sáng nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa chia sẻ những trăn trở xung quanh câu chuyện vắc xin những ngày qua.

Bộ trưởng cho biết, khi gặp giám đốc Trung tâm tiêm chủng Polyvac, bà đã hỏi thẳng: "Tại sao vì vài trăm mũi tiêm mà làm náo động cả nước, khiến cả ngành y tế vất vả? Ông có phải cơ sở to đâu mà lại đi tiêm đầu tiên, lại không có sự chuẩn bị trước?".

Theo Bộ trưởng Kim Tiến, để có được 200.000 liều Pentaxim là cả sự nỗ lực. Ngành y tế đã cố gắng hết sức nhưng không phải dễ mua, dễ đàm phán.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ những trăn trở sau sự cố vắc xin

"Tôi đã yêu cầu Cục Quản lý Dược đi các nước để đàm phán nhưng đều nhận được câu trả lời không có, không thể cung ứng được. Chúng tôi cũng muốn bán để có tiền, người nhập cũng muốn nhập để kiếm lời còn điểm dịch vụ cũng muốn tiêm càng nhiều càng tốt để kiếm lợi lắm chứ nhưng không có nguồn. Các công ty sản xuất vắc xin ngày càng ít, ngay Pháp cũng thiếu.", Bộ trưởng Tiến giãi bày.

Bộ trưởng cũng cho hay, vừa qua, Cục Quản lý Dược phải gây áp lực cho phía Sanofi bằng lý lẽ, tình cảm để họ nhượng lại mỗi nơi một ít, góp lại được 200.000 liều để giải quyết tạm thời còn đến năm 2016 chưa chắc đã có.

"Đáng ra, người dân nên bình tĩnh đi tiêm nhưng lại dồn hết vào một chỗ. Đây cũng có lỗi của ngành y tế là tổ chức tiêm dịch vụ không được tốt, chưa ứng dụng CNTT", Bộ trưởng Y tế thừa nhận.

Tiêm vắc xin nào cũng có nguy cơ tai biến

Nhớ lại câu chuyện 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị, Bộ trưởng nhấn mạnh nguyên nhân là do tiêm nhầm thuốc chứ không phải do vắc xin viêm gan B, nhưng do thông tin không đầy đủ nên từ đây người dân bắt đầu quay lưng với vắc xin và dịch sởi đã bùng ra vào cuối năm 2013.

"Với Quinvaxem, sự thực có những tai biến, truyền thông đã giải thích mãi rồi nhưng người dân vẫn nghi ngờ, vẫn sợ. Nếu đặt mình vào vị trí đó cũng phải thông cảm cho người dân", Bộ trưởng tâm tư.

Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, nếu thay Quinvaxem bằng Pentaxim trong tiêm chủng mở rộng, với số lượng 4,5 triệu mũi/năm thì chắc chắn tai biến cũng xảy ra.

"Tiêm vắc xin nào đi chăng nữa thì tỉ lệ tử vong ít nhất cũng từ 1-4 trẻ/1 triệu liều. Trong khi một ngày, dù không tiêm gì, ít nhất cũng có 30-50 trẻ trên khắp đất nước tử vong do mọi nguyên nhân", tư lệnh ngành y tế dẫn giải.

Theo Bộ trưởng Tiến, như với người lớn, khi vào Châu Phi, bắt buộc phải tiêm phòng bệnh sốt vàng. Dù biết có xác suất tai biến nhưng vẫn phải tiêm. Với người bình thường, nhẹ nhất là sốt, ốm, nặng có thể tai biến viêm não, viêm màng não. Hay như tiêm huyết thanh phòng dại, người nặng nhất có thể sốc, tử vong, nhẹ là viêm não, viêm dây thần kinh dẫn đến liệt nhưng nếu không tiêm sẽ mắc bệnh dại. Vậy chọn cái nào?

Do đó, Bộ trưởng cho rằng các bà mẹ nên hết sức cân nhắc. Nếu không tiêm vắc xin, mỗi năm có thể có hàng trăm ngàn trẻ mắc bệnh, số tử vong ít nhất 100-200 hoặc cao hơn so với tiêm vắc xin, cả cộng đồng gần như không bị mắc bệnh hoặc mắc rất nhẹ và rất ít tử vong thì cái nào hơn.

Bộ trưởng cho biết, những thập kỷ trước, các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván vào bệnh viện cấp cứu rất nhiều, tử vong rất lớn nhưng ngày đó truyền thông không phủ rộng như bây giờ nên ít người biết. Nhưng nhờ tiêm chủng mở rộng, Việt Nam hiện đã thanh toán được bại liệt, loại trừ được uốn ván sơ sinh và giảm tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm khác hàng trăm, hàng nghìn lần.

Bộ trưởng cũng thông tin, vừa rồi khi thống kê, ở Hà Nội chỉ có 8% số trẻ tiêm vắc xin dịch vụ với khoảng 8.000 trẻ. Còn lại 92% vẫn tiêm Quinvaxem.

Để chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng, Bộ trưởng cho biết đang trình Chính phủ ban hành nghị định về tiêm chủng.

Thúy Hạnh