Tại họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều qua, trao đổi về hiện tượng công chức xu nịnh, bợ đỡ cấp trên và việc luật hóa hành vi này, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao xây dựng Đề án văn hóa công vụ.

Qua thời gian nghiên cứu công phu, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và nhiều cuộc hội thảo khoa học, tìm hiểu kinh nghiệm về văn hóa công vụ của một số nước, Bộ đã xây dựng xong Đề án.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa (trái)

Cụ thể hóa Đề án này, Bộ Nội vụ xây dựng kế hoạch, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, phân công một số nội dung cho các bộ.

“Sau khi thống nhất, các tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các ban của Đảng đề nghị đề án sẽ áp dụng toàn diện trong hệ thống chính trị”, ông Thừa nói

Khi nêu ra, ý tưởng của cơ quan soạn thảo là chỉ áp dụng trong khuôn khổ khối nhà nước.

Theo ông, đề án đánh giá một cách toàn diện vấn đề thực thi nhiệm vụ. Kế hoạch đã được Bộ trưởng Nội vụ ban hành và đã có lộ trình cụ thể.

Về việc có nên luật hóa các quy định về hành vi nịnh bợ sếp hay không, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho hay, trong khi xây dựng luật Cán bộ, công chức sửa đổi, có một số ý kiến đề nghị đưa vào quy định này.

Bộ Nội vụ đã tiếp thu và tính toán đưa vào một số điều luật. Luật đang được các cấp có thẩm quyền xem xét để trình QH trong tháng 5 này.

“Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, những gì luật hóa được mà tốt thì các cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng. Luật hóa được thì cũng tốt”, ông Nguyễn Trọng Thừa nói thêm.

Đề án được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm nay quy định 4 nội dung. Trong đó có quy định về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với lãnh đạo cấp trên phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều  hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.  

Công bố danh tính phụ huynh học sinh nâng điểm phải cân nhắc 

Trả lời báo chí về việc có nên nêu tên các cán bộ, công chức, viên chức có con được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không, ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức cho rằng, quy định của pháp luật rất rõ "sai phạm đến đâu xử lý đến đó". 

"Vấn đề là công bố danh tính để làm gì? Nếu các đồng chí đó có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, hành chính. Nếu có việc tác động đến việc chạy điểm thì sẽ bị xử lý nghiêm. Lúc đó, việc có công bố danh tính hay không tại giai đoạn tố tụng phải theo quy định của pháp luật", ông Long nói.

Theo ông, việc công bố danh tính phải cân nhắc nhiều vấn đề, đặc biệt là có hành vi vi phạm hay không, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quyền về nhân thân của cán bộ.

"Quan điểm của chúng tôi là sai đến đâu xử lý đến đó, và có công bố danh tính hay không thì phải căn cứ theo quy định của pháp luật chuyên ngành", ông Long nhấn mạnh.

Công chức không được nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng

Công chức không được nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng

Công chức, viên chức không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo cấp trên vì động cơ không trong sáng.

Thu Hằng