- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay không phải ai cũng sẵn sàng bỏ hẳn công việc để viết sách giáo khoa vì phải tập trung như trại sáng tác Hội nhà văn, đãi ngộ lại thấp.

Bộ trưởng GD-ĐT phát biểu tại phiên họp tổ QH chiều 11/11 về Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông. "Xin tiếp thu tất cả các ý kiến phát biểu", song ông cũng cho rằng bản thân chỉ 'soi' vào đề án không nói hết được vấn đề khi chỉ nêu những vấn đề mục tiêu, nội dung, nguyên tắc, quan điểm... để lấy ý kiến QH.

Tập trung như trại sáng tác Hội nhà văn

Nhấn mạnh Bộ đang tính toán, xem xét kỹ lưỡng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói dự kiến lạc quan nhất có khoảng 4 bộ sẽ tham gia thực hiện đề án.

Ông cho hay, kinh nghiệm thực tiễn qua 3-4 lần viết sách cho thấy lực lượng tham gia viết SGK không nhiều.

XEM CLIP:

"Trong những người có thể có kinh nghiệm viết, không phải ai cũng sẵn sàng. Vì viết phải bỏ hẳn công việc, tập trung viết trong thời gian nhất định như trại sáng tác của Hội nhà văn. Đãi ngộ thấp, không khuyến khích về vật chất. Chúng tôi đang tính toán".

Ông cũng lưu ý, giờ sách viết không như ngày xưa mà theo cách tiếp cận mới, chú trọng phẩm chất, năng lực của người học. Do đó, Bộ đang chuẩn bị tập huấn, bồi dưỡng cho cho giáo viên, các chuyên viên làm quen, tiếp cận cách làm của thế giới.

Bộ trưởng trấn an ĐBQH rằng, "không lo anh em viết sách ra Bộ lại không dùng mà lo có ai viết không, có đảm bảo chất lượng không. Với tinh thần rất lạc quan, chúng tôi tập huấn với tất cả anh em".

'Có người nói rất to nhưng viết sách không dùng được'

Về biên soạn sách, Bộ trưởng cho biết, từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết mà tổ chức viết, chịu trách nhiệm trước QH, Chính phủ, tập hợp các nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn hóa, giáo viên… và giao cho NXB Giáo dục.

Lần này có 2 phương án.

Thứ nhất, Bộ sẽ trực tiếp, chủ động biên soạn một bộ SGK.

"Nghị quyết QH sẽ giao triển khai từ năm nào, bậc tiểu học, trung học theo cách nào, để chủ động Bộ phải sẵn sàng làm. Những lần làm sách vừa rồi, có những cái không sẵn sàng, có người nói rất to nhưng viết sách không dùng dược. Nên phải có bộ sách, chủ động rồi mới có sách bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng lịch trình" - ông lý giải.

Phương án 2 là xã hội hóa toàn bộ. "Thủ tướng cũng cân nhắc, dứt khoát phải đổi mới, buông hết. Nhưng nếu tốt không sao, nếu không chuẩn bị được thì lại có lỗi với nhân dân. Chứ không phải Bộ muốn ôm việc này đâu" - ông cho biết.

{keywords}

Liên quan băn khoăn nếu Bộ biên soạn, rồi lại thẩm định sách thì không khác vừa đá bóng, vừa thổi còi, không có chỗ cho nhóm viết sách khác nữa. Bộ trưởng cho hay, Bộ đang tính toán có một chương trình, nhiều bộ SGK.

Do đó, nếu Bộ GD-ĐT có biên soạn hay không biên soạn không ảnh hưởng các bộ sách khác tồn tại, xuất hiện - Bộ trưởng khẳng định. Trong khi đó, nếu làm bộ sách của Bộ thì Bộ cũng không đứng ra tự biên soạn mà tổ chức giáo viên, các nhà khoa học để làm.

Còn việc thẩm định do Bộ chủ trì nhưng được thực hiện dựa trên hội đồng các nhà khoa học, nhà văn hóa, giáo viên uy tín và danh sách sẽ phải trình Hội đồng giáo dục quốc gia, xin ý kiến Thủ tướng rồi mới thẩm định. Đây sẽ là hội đồng độc lập, không phụ thuộc bộ nào và Bộ GD-ĐT dựa trên kết quả thẩm định đó một cách khách quan.

"Không có chuyện vừa thổi còi vừa đá bóng. Các bộ sách khác cũng được thẩm định công bằng ở hội đồng này. Nếu đạt chuẩn lưu hành thì Bộ sẽ có văn bản công nhận bộ sách đó đó hợp pháp, được lưu hành. Nơi nào chọn Bộ cũng đồng ý, bình đẳng như nhau, vấn đề phù hợp với vùng miền, phù hợp việc học của học sinh" - Bộ trưởng cho biết thêm.

Ông cũng nhấn mạnh thêm, nói công bằng với các tập thể viết sách, phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, những vấn đề kỹ thuật sẽ tính toán, triển khai. Các chính sách đều có tham vấn, lấy kiến các tổ chức, cá nhân.

Thu Lý - Clip: Xuân Quý - Hồng Nhì - Ảnh: Bình Minh