Trả lời đề xuất của cử tri tỉnh Gia Lai về xây dựng nhà thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc tại địa phương này, Bộ Công an cho biết, thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (nay là Luật Thi hành án hình sự năm 2019), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2011 và hiện nay được thay thế bằng Nghị định số 43/2020 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu Đề án triển khai thi hành án bằng hình thức này.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã tiến hành khảo sát về thực trạng người bị kết án tử hình trên phạm vi cả nước. Theo đó, số người bị kết án tử hình có xu hướng tăng nhưng chỉ tập trung ở các địa phương phức tạp về tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm ma túy, số địa phương còn lại, số lượng người bị kết án tử hình ít, thậm chí có địa phương những năm gần đây không giam giữ người bị kết án tử hình.

Về việc này, Bộ Công an đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý chủ trương: Trong tình hình hiện nay chưa cần thiết địa phương nào cũng phải xây dựng nhà thi hành án tử hình để tránh tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước, tăng chi phí công. Vì vậy, sẽ lựa chọn 1 địa phương để xây dựng 1 nhà thi hành án tử hình sử dụng chung cho các địa phương lân cận.  

Bộ Công an nói về việc xây dựng nhà thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc - 1
Lực lượng thi hành án chuẩn bị các công đoạn trước khi bấm nút thực hiện việc tiêm thuốc cho tử tù (Ảnh minh họa).

Trên cơ sở kết luận của Hội đồng thẩm định Nhà nước, ngày 27/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt giai đoạn 1 của Đề án triển khai thực hiện thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc tại công an 15 địa phương (Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, TPHCM, Vĩnh Long, Hậu Giang).

Hiện nay, Bộ Công an đã đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và phân chia thành 11 khu vực tổ chức thi hành án tử hình. Đây là những địa phương có điều kiện giao thông thuận lợi để các địa phương lân cận áp giải người bị kết án tử hình đến thi hành án.

"Đề án triển khai thực hiện thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được thực hiện theo nhiều giai đoạn. Sau khi kết thúc giai đoạn 1, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng tổ chức sơ kết Quyết định số 800 để đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư các giai đoạn tiếp theo của Đề án"- Bộ Công an cho hay.

Theo Dân Trí

Từ 15/4, tử hình tiêm thuốc độc bằng máy tự động hoặc trực tiếp

Từ 15/4, tử hình tiêm thuốc độc bằng máy tự động hoặc trực tiếp

Chính phủ vừa ban hành nghị định 43 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.