- ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) miêu tả việc quản lý buông lỏng đất nông lâm trường để “bên trong xây biệt thự, biệt phủ, nhà nghỉ cuối tuần”, khiến người dân bức xúc.

Một trong những vấn đề được các ĐBQH phân tích nhiều khi thảo luận báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014 là xung đột, mâu thuẫn đất đai giữa các công ty nông, lâm nghiệp với người dân địa phương.

{keywords}
ĐB Trương Thị Huệ

ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) nhận định tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên trong thời gian dài và nhiều vụ việc phức tạp.

Nguyên nhân đầu tiên, theo bà Hải, là người dân sở tại thiếu đất sản xuất, canh tác, trong khi các công ty nông lâm nghiệp quản lý quá nhiều đất nhưng để hoang hóa. Thứ hai là buông lỏng quản lý, diện tích thật và trên bản đồ không đúng, thiếu xác thực.

Thứ ba, do tác động của cơ chế thị trường liên quan đến lợi ích từ sử dụng đất. Gần đây mạng lưới thị trường hàng hóa, nông sản ở vùng núi, đặc biệt rừng trồng sắn phát triển mạnh.

“Lẽ ra đây sẽ là cơ hội nâng cao thu nhập cho nhiều người, nhưng đất đai tập trung chủ yếu trong các công ty nông, lâm nghiệp và trong tay một số người giàu ngoài cộng đồng", ĐB cho hay.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) miêu tả việc này là "đất nông lâm trường mà bên trong lại xây biệt thự, biệt phủ, nhà nghỉ cuối tuần khiến người dân bức xúc".

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho hay, với đồng bào dân tộc thiểu số thì rừng là nhà. Nhưng khi thành lập các nông lâm trường những năm 1950-1970, đồng bào hôm trước còn vào rừng kiếm củi, chăn gia súc, hôm sau vào đã bị cấm vì đất đã được giao cho nông lâm trường.

ĐB Nguyễn Thị Hải phản ánh các tranh chấp nêu trên chưa được giải quyết thỏa đáng, quyết liệt, triệt để. Với gần 8 triệu ha đất đang nằm dưới sự quản lý của các nông lâm trường quốc doanh, các ĐBQH lo lắng khi đất bị sử dụng sai mục đích, sai đối tượng, lãng phí.

Xin QH minh xét

Trước các chất vấn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát giải thích, sau giải phóng, các đơn vị quân đội đã đến các vùng sâu vùng xa, lập nên các nông lâm trường, đóng chân trên những vùng rừng heo hút, vừa chống Fulro, đồng thời khai hoang vất vả, để ngày hôm nay nhìn thấy bạt ngàn cây cao su.

"Nên tôi băn khoăn khi có ý kiến cho rằng đồng bào dân tộc thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất có vẻ như vì nông lâm trường. Tôi xin QH minh xét lại điều đó", Bộ trưởng bày tỏ.

Dù vậy Bộ trưởng thừa nhận thực tế nhiều nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có vi phạm, nhất là ở Tây Nguyên. Ông nhận khuyết điểm trước QH là tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực này thiếu hiệu quả.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) kiến nghị nếu đã xác định được "địa chỉ" của các sai phạm thì phải xử lý đúng mức và báo cáo QH.

{keywords}
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

Giải thể, trả đất cho dân

Các ĐBQH nhấn mạnh thực hiện các chính sách liên quan đến nông lâm trường quốc doanh phải gắn với giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn.

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) kiến nghị rà soát, đánh giá thực trạng nhu cầu sử dụng đất, quản lý rừng, hoàn thành dứt điểm việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đo đạc, cắm mốc giới, thực địa, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, đặc biệt là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao đất, thuê đất.

ĐB tỉnh Quảng Nam kiến nghị giải thể, cho phá sản đối với các công ty, nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không quản lý được đất đai giao khoán, đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, không thực hiện được nghĩa vụ về tài chính doanh nghiệp, kiên quyết thu hồi đất chưa sử dụng, sử dụng sai mục đích để giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.

"Cần đặc biệt ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất ở các khu vực tái định cư do các công trình thủy điện. Rừng phòng hộ mà xung yếu, rừng nghèo kiệt cũng nên chuyển sang phát triển rừng sản xuất, giao đất cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn".

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trên cơ sở thẩm định 205 nông lâm trường quốc doanh, các bộ, ngành và địa phương liên quan đã thống nhất chỉ để lại 4 công ty 100% vốn nhà nước sản xuất, 57 đơn vị 100% vốn nhà nước sản xuất và dịch vụ, cổ phần hóa 84 công ty và thành lập 26 công ty TNHH hai thành viên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp 4 và giải thể 28.

"Bàn giao về cho địa phương khoảng 325 nghìn ha trong số gần 2 triệu ha của 205 nông lâm trường trên", ông thông tin trước QH.

Chung Hoàng - Ảnh: Hoàng Long