- Sáng nay tại Hà Nội, hội thảo “Những thành tựu của IPCC và các hành động Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức với nhiều ý kiến được đóng góp cho việc xây dựng kế hoạch thỏa thuận Paris.

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cùng các đại diện điều phối viên Liên Hợp quốc, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học.

{keywords}

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Là một trong những nước đang phát triển và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rõ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam đã ban hành và triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro khí hậu”.

Tại hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cho hay: Trước mắt Việt Nam phải có các biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, vì trước khi phát triển đất nước thì yêu cầu đầu tiên phải là tồn tại, và các giải pháp ngăn chặn tác động biến đổi khí hậu đòi hỏi thời gian và tốn nhiều ngân sách. Tuy nhiên, việc tăng cường sự thích ứng với biến đổi khí hậu phải gắn chặt với sinh kế của người dân. 

Đề cập đến việc Việt Nam thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc lưu ý: “Phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các dân tộc thiểu số thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, vì thế chúng ta cần phát huy mọi nỗ lực cần thiết để giúp xây dựng khả năng chống chịu và phục hồi của họ”.

Trước việc nhận định nhóm phụ nữ, trẻ em và các dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương nhất, nên trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu hay phát triển các quỹ tài trợ ở Việt Nam đều lồng ghép với các tổ chức như Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, với vai trò của phụ nữ được quan tâm.

{keywords}
Chủ tịch IPCC ông Hoesung Lee mong muốn nhận được sự tham gia đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam

Ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC (Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu) cho hay: “Thực hiện đề nghị của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu theo quyết định của Hội nghị COP 21, IPCC đang xây dựng “Báo cáo đặc biệt về tác động của sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C so với thời kì tiền công nghiệp và các đường phát thải khí nhà kính tương ứng”

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học được đưa ra thảo luận sôi nổi, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề còn bỏ ngỏ. GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ đặt vấn đề: Khi so sánh số liệu tăng 1,5 độ C được tính từ thời điểm nào, chứ không thể nói chung chung là thời kỳ tiền công nghiệp được. Vì chỉ cách nhau 10 năm thôi là đã thấy rõ sự khác biệt rồi.

Còn ông Phạm Quang Hà, Viện Môi trường nông nghiệp bày tỏ lo lắng: “IPCC đóng góp rất lớn với những báo cáo của các nhà khoa học. Trong đó đóng góp cho châu Âu là 30%, tuy nhiên với châu Á với dân số đông và lãnh thổ rộng như vậy lại chỉ chiếm 18%”.

Trước những ý kiến của các chuyên gia, ông Hoesung Lee kỳ vọng sẽ được các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam vào cuộc cùng IPCC với vai trò tác giả, để giải quyết các vấn đề của địa phương và cung cấp các thông tin khoa học để có thể đưa vào các đánh giá.

Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ buổi hội thảo, các nhà khoa học của Việt Nam trình bày dự thảo kịch bản về biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng năm 2016 cho Việt Nam và kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris.

Đoàn Bổng