- "Năm nay, lồng đèn biển đảo và lồng đèn giấy kiếng lên ngôi”. Ông chủ gian hàng lồng đèn ở chợ lồng đèn Lương Nhữ Học (Q.5 TP.HCM) vui mừng thổ lộ.

Lồng đèn biển đảo lên ngôi

Như đến hẹn lại lên, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến Trung thu. Chợ lồng đèn Lương Nhữ Học tưng bừng khoe sắc. 

Chỉ một đoạn ngắn trên con đường này, giới hạn từ Nguyễn Trãi đến Trần Hưng Đạo, hai bên là dãy cửa hàng trưng bày đủ loại lồng đèn phục vụ thiếu nhi. Gần đó, đường Phú Định nhỏ hẹp chỉ dài vài trăm mét cũng nghẹt cả lồng đèn.

{keywords}
Lồng đèn giấy kiếng và biển đảo chiếm lĩnh thị trường

Chúng tôi dừng lại trước một gian hàng. Người đàn ông săm soi chiếc lồng đèn biển đảo. “Mặt hàng mới năm nay đó anh” - cô bán hàng chào mời. 

Hình ảnh chiếc tàu giữa đại dương đang lướt sóng với dòng chữ “hướng về biển đảo quê hương” đập vào mắt anh. Bấm nút. Đèn bật sáng rồi tiếng nhạc trỗi lên. Giọng hát thiếu nhi ngân vang: “Tết trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…” làm thằng bé con anh đứng gần đó thích thú. “Mua đi ba, con thích lồng đèn này”.

Bên cạnh lồng đèn biển đảo còn có vô số lồng đèn mang chủ đề lịch sử. Những nhân vật anh hùng liệt nữ như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Quang Trung hoặc mô phỏng về một trận đánh chống ngoại xâm được thể hiện trên chiếc lồng đèn nhỏ nhoi.

{keywords}
Một sinh viên mân mê lồng đèn biển đảo.

Chị Dư Kim Hoa (58 tuổi) dắt 2 đứa cháu nội đến đây chọn lồng đèn tâm sự : “ngày xưa lúc mình còn bé, chỉ một lon sữa bò, một lon bia hay chỉ vài nan tre và tờ giấy kiếng tự mình mày mò làm ra chiếc đèn chơi trung thu. Ngọn nến đốt lên, nó leo lét hơn đèn pin như bây giờ nhưng nó ấm cúng và thánh thiện vô cùng. Có một lần chơi Trung thu, chiếc đèn tôi bị cháy. Nhìn các bạn khác tung tăng với chiếc đèn trong tay tự dưng tôi tủi thân ôm mặt khóc. Kỷ niệm đó dường như không bao giờ tôi quên được”.

{keywords}
 Gia công thêm cho lồng đèn giấy kiếng

Diện mạo chợ lồng đèn năm nay đổi khác. Mặt hàng đa dạng. Bên cạnh lồng đèn chủ đề biển đảo, lồng đèn chất liệu giấy kiếng dường như đã tìm lại được sức sống sau nhiều năm ẩn mình. Những con thú như cá, cua, gà, bướm v.v…có phần lộng lẫy hơn xưa.

Làng nghề tìm lại sức sống

Sự hồi sinh của lồng đèn giấy kiếng và sự xuất hiện lồng đèn biển đảo trên thị trường là một tín hiệu đáng mừng. Trẻ thơ Việt Nam, những con cháu chúng ta sẽ có dịp tìm về cội nguồn của cha ông.

{keywords}
Ông Huỳnh Văn Khánh và sản phẩm lồng đèn biển đảo

Cầm trên tay chiếc lồng đèn giấy kiếng, các cháu sẽ hiểu nỗi nhọc nhằn của người làm ra nó. Với chiếc lồng đèn biển đảo sẽ gieo vào trí óc trẻ thơ non nớt về một niềm tự hào dân tộc.

Sự xuất hiện của lồng đèn biển đảo trên thi trường xuất phát từ sự trăn trở của một cụ già – hay đúng hơn một viên chức đã về hưu. Ông là Huỳnh Văn Khánh, năm nay đã 68 tuổi từng là cán bộ tuyên giáo, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam như lời ông nói với chúng tôi.

Gặp ông tại cơ sở sản xuất lồng đèn, ông bày tỏ niềm hân hoan của mình khi được biết, hiện lồng đèn Trung Quốc đã bị loại khoảng 90% trên thị trường lồng đèn trên cả nước. Năm ngoái, cơ sở ông xuất xưởng được 350.000 sản phẩm, dự kiến năm nay con số này sẽ tăng gấp đôi.

{keywords}
Một công đoạn sản xuất lồng đèn biển đảo 
Ông cho biết thêm, ngoài mục đích tránh những nguy hiểm do độc hại của lồng đèn Trung Quốc, lồng đèn biển đảo và lồng đèn lịch sử do ông sản xuất ra giúp cho các cháu thiếu nhi vừa chơi vừa học. Những hình ảnh về biển đảo, tàu cá, tàu kiểm ngư, anh hùng dân tộc, nhẹ nhàng và hài hòa sẽ giúp các cháu bổ sung kiến thức, gieo vào lòng tuổi thơ tình yêu quê hương đất nước.  

Trong khi đó ở làng nghề Phú Bình (P.5 Q. 11), làng nghề truyền thống có từ hàng chục năm nay như bừng lên sức sống. Nơi đây có hàng chục gia đình quanh năm sống nhờ vào nghề làm lồng đèn giấy kiếng. Những năm trước đây, vào dịp trung thu bà con lao đao vì lồng đèn ngoại nhập nhưng năm nay khác hẳn.  

Nhìn những chuyến xe đầy ắp lồng đèn lần lượt rời khỏi nơi đây, chúng tôi liên tưởng một làng nghề đã hồi sinh sau nhiều năm ngắc ngoải. Sự trở lại một cách rầm rộ của lồng đèn giấy kiếng của Phú Bình như một tín hiệu vui. 

Bà con có cơm ăn, trẻ thơ có thêm nụ cười và trung thu năm nay chắc chắn trên cao, chị Hằng và chú Cuội sẽ nhìn xuống trần gian với nụ cười viên mãn.

Trần Chánh Nghĩa