Chiều 4/9, Bí thư Thành ủy  Nguyễn Văn Nên, đã có buổi làm việc với huyện Củ Chi về công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Tại đây, ông Nên chia vui với huyện Củ Chi, là địa phương đầu tiên của TP cơ bản đạt được mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15/9.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá, huyện đã thực hiện nghiêm giãn cách ngay từ đầu, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm và quản lý F0; thực hiện các biện pháp y tế nghiêm, có hiệu quả. 

{keywords}
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm việc tại Củ Chi (ảnh: Website Thành ủy)

Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức tiêm vắc xin tỷ lệ cao, 96,8%. Trong đó, huyện đã tuyên truyền tốt để người dân tham gia tiêm vắc xin Vero Cell.

“Huyện Củ Chi làm được và đây là điểm sáng cho tinh thần trách nhiệm”, Bí thư Nguyễn Văn Nên biểu dương.

Theo ông Nên, trong cách làm, Củ Chi đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo, từ bản đồ an sinh, dùng công nghệ để quản lý, tổ chức được các lực lượng tình nguyện tham gia giúp dân, tham gia đi chợ, gắn được với tiêu thụ sản phẩm nông dân làm ra, một công hai việc… Đây cũng là điểm sáng, thể hiện sự năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao của huyện.

Người đứng đầu Thành ủy nhấn mạnh, có thể khẳng định, những kết quả ở Củ Chi đến giờ này là cơ sở để bổ sung các điều kiện cần thiết, góp phần nghiên cứu, thay đổi chiến lược phòng, chống dịch ở TP.HCM.

“Củ Chi đã giúp TP nhận rõ được, từ cơ sở có thể bổ sung các điều kiện cần thiết, góp phần nghiên cứu chiến lược cho giai đoạn tới”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Qua đó, ông đề nghị Ban Chỉ đạo chọn huyện Củ Chi và quận 7 là hai mũi đột phá, thí điểm cho kịch bản bình thường mới của TP.HCM sau 15/9.

Tuy vậy, ông Nên cũng yêu cầu huyện luôn đề cao cảnh giác, thực hiện khuyến cáo mới của Bộ Y tế: 5K, vắc xin, thuốc; thực hiện 3T là tự phát hiện, tự cách ly và tự chăm sóc. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, củng cố hệ thống y tế đủ sức, duy trì trung tâm y tế, củng cố y tế cộng đồng đủ mạnh.

"TP.HCM đã trải qua 3 tháng căng mình chiến đấu, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng, đến lúc này cần tính toán thế nào cho cụ thể, hiệu quả. Do đó, Củ Chi cần chủ động, sáng tạo, năng động, quyết liệt, để tiếp tục là một trong những ngọn cờ đi đầu, tạo ra những giải pháp mới phù hợp hơn nữa, góp phần cùng TP trên chặng đường trở lại cuộc sống mới trong điều kiện còn có dịch”, ông Nên nói. 

Triển khai kế hoạch tiêm vắc xin đến 15/9

Theo HCDC thông tin, Sở Y tế TP vừa ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đến ngày 15/9. Các quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục rà soát, vận động và lập danh sách người dân từ 18 tuổi chưa được tiêm mũi 1 để tổ chức tiêm bằng các loại vắc xin phù hợp.

Đồng thời tổ chức tiêm mũi 2 cho những người đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian theo khuyến cáo của từng loại vắc xin. Lưu ý những người cao tuổi, có bệnh nền, người khuyết tật hoặc trường hợp không thể đến điểm tiêm.

Triển khai các hình thức tiêm lưu động để tăng khả năng tiếp cận vắc xin cho người dân không thể đến được các điểm tiêm cố định (xe tiêm lưu động, điểm tiêm riêng cho khu chung cư hoặc nhà trọ đông người, các tổ tiêm tại nhà, …).

{keywords}
Đội tiêm lưu động đến tận nhà dân để tiêm vắc xin

Sở Y tế đề nghị địa phương tiếp tục duy trì và vận hành tốt các điểm tiêm trong và ngoài cơ sở y tế sẵn có, đảm bảo công suất khoảng 200-250 mũi tiêm/ngày/đội tiêm để hoàn tất việc bao phủ vắc xin đúng tiến độ.

Với tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, HCDC khuyến cáo người dân hãy theo dõi thông tin tổ chức tiêm chủng trên địa bàn quận, huyện, phường, xã và đồng ý tiêm ngay khi đến lượt.

Về số ca F0 Bộ Y tế mới công bố tăng vọt, tại buổi họp báo chiều 4/9, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành HCDC cho biết, cần bình tĩnh vì việc tăng này không có gì đột biến, tính chất vẫn như những ngày trước.

Theo ông Tâm, nguyên tắc công bố của Bộ Y tế là F0 phải có xét nghiệm PCR dương tính để khẳng định nhiễm SARS-CoV-2. Nghĩa là số công bố tới hiện thời là những người test PCR.

TP.HCM vừa rồi tăng cường test nhanh để bóc tách F0 nhanh nhất, tiếp cận người có khả năng mắc bệnh để hỗ trợ điều trị kịp thời để hạn chế tử vong. Đó là mục đích mà Bộ cho phép TP tăng cường xét nghiệm bằng test nhanh. Xem đầy đủ.

Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì dịch 

Cũng tại buổi họp báo, trả lời về việc chuẩn bị vào năm học mới, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu thông tin, từ 6/9 học sinh cấp 2, 3 bắt đầu vào năm học mới, làm quen với lớp và tiếp tục củng cố số lớp, rà soát điều kiện lớp học trong 1 tuần. Lớp nào đủ điều kiện thì vào học, lớp nào chưa đủ điều kiện thì đến tuần thứ hai là vào học.

Riêng học sinh cấp 1 sau ngày 6/9, sẽ có hai tuần làm quen bạn bè, lớp học.

Ông Hiếu cũng thừa nhận, số lượng học sinh trên địa bàn TP thiếu thiết bị học trên trực tuyến là khá lớn. Có khoảng 4% học sinh không có điều kiện tiếp cận với phương pháp học online.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, Sở đã làm việc với các trường để các em học sinh yên tâm vì TP đã có các cách giải quyết phù hợp, không để học sinh thiếu thiết bị học oline.

{keywords}
TP.HCM khẳng định, không để học sinh nào phải thiếu thiết bị học trực tuyến

Trao đổi thêm vấn đề này, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP cho biết, có hai điều lo lắng, mình có nên dời khai giảng hay không? Thứ hai, khắc phục việc còn khoảng 4% học sinh không có trang thiết bị học online thế nào?

Theo ông Hải, quyết tâm cho năm học 2021-2022 và xa hơn, không riêng gì ngành giáo dục mà cả TP đều chủ trương không để bất cứ học sinh nào không được học vì dịch bệnh và càng không thể vì dịch bệnh mà không hoàn thành trách nhiệm trong giáo dục.

 

Đảm bảo phương án tiêm vắc xin cho học sinh
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị 24 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 .
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi.
Đồng thời, cấp bổ sung và tiêm vắc xin cho tất cả giáo viên các cấp học; quán triệt tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người" thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với thông điệp “tất cả vì tương lai con em chúng ta”.

 

TP.HCM không để học sinh nào không được học vì thiếu thiết bị

TP.HCM không để học sinh nào không được học vì thiếu thiết bị

Dù còn trên 4% số học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến nhưng ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM khẳng định TP sẽ không để học sinh nào không được học.

Hồ Văn