- Phát biểu trước lãnh đạo quận, huyện, xã phường Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhắc nhở quán triệt quy định không tặng quà cấp trên nhân dịp Tết.

Lãnh đạo 577 xã, phường, 29 quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội Hà Nội đã có mặt sáng nay (4/1) tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của Thủ đô.

Thu nhập bình quân gần 2.000 USD

Ông Phạm Quang Nghị: Mấy chục năm đổi mới, thành phố đã có thêm bao nhiêu công trình hiện đại nhưng không xây thêm được bệnh viện nào mới
Theo báo cáo của Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo, GDP năm 2010 của Hà Nội ước tăng 11% so với năm trước, thu nhập bình quân đầu người đã đạt khoảng 37 triệu đồng (tương đương 1.950 USD). Thu ngân sách 100.000 tỷ đồng, tăng 34,6%, tỉ lệ hộ nghèo còn khoảng 4,5%, tạo thêm khoảng 135.800 việc làm mới.

Thành phố đã xây dựng được Quy hoạch chung thủ đô, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thành phố cũng đã tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhưng bên cạnh những thành tựu và tiến bộ đó, "chúng ta cũng không né tránh những khuyết điểm, yếu kém cần phải ra sức khắc phục, vươn lên", ông Nghị cảnh báo. "Hàng ngày, đọc báo và theo dõi các trang mạng nơi người dân trao đổi ý kiến, nhận xét về những mặt yếu kém của thủ đô, mới thấy chúng ta đang đứng trước rất nhiều những đòi hỏi và bức xúc quan trọng".

Không cần chờ chỉ đạo của thành phố

Báo cáo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nêu lên những hạn chế trong bức tranh phát triển chung của thủ đô năm 2010 như: Điều hành kinh tế - xã hội chưa theo kịp yêu cầu, để chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 9,56%; quy hoạch và quản lý đô thị còn bất cập, để tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...; giải quyết việc làm và dạy nghề cho nông dân sau thu hồi đất còn hạn chế; cải cách hành chính chậm, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn tăng...

Báo cáo nhận định bên cạnh những yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ yếu vẫn là những khuyết điểm chủ quan trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Bí thư Phạm Quang Nghị cũng phân tích: "Những khó khăn, yếu kém đó một mặt là do những yếu kém vốn có về cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội, mặt khác do sự khác nhau về quan điểm, ý kiến trong biện pháp xử lý từng vấn đề một".

Nhấn mạnh đến yêu cầu phối kết hợp giữa các cấp chính quyền và sự kiên quyết trong xử lý vi phạm, ông Nghị dẫn ví dụ việc xử lý những công trình xây dựng trái phép nghiêm trọng, chỉnh đốn những vi phạm trong công viên Thủ Lệ, ngăn chặn nạn sưa tặc... "Đó đều là những việc chưa có tiền lệ, chúng ta quyết thì làm và chịu trách nhiệm thôi", ông Nghị khẳng định."Những ngôi nhà bị cắt ngọn do xây dựng trái phép sẽ là biểu tượng về kỷ luật của Thủ đô trong nhiệm kỳ qua".

Vì vậy, ông Nghị thúc giục sự chủ động của các cấp cơ sở: "Xã phường, quận huyện không cần chờ thành phố chỉ đạo. Việc xảy ra đến đâu cứ chủ động giải quyết ở đó".

Ông Nghị nêu một ví dụ rất nhỏ nhưng cụ thể: "Ngày nào tôi đi làm qua ngã tư Cao Bá Quát - Lê Duẩn đều thấy các dịch vụ dán xe máy xả rác ra đường, nhưng không thấy chính quyền cơ sở nhắc nhở, xử lý. Đến khi tôi gọi điện cho lãnh đạo quận Ba Đình thì gần đây đã thấy những người hành nghề đó có thêm cái sọt rác".

"Những việc như vậy cấp phường có thể làm được có gì khó đâu? Tại sao các đồng chí thu phí, nhận phong bì của họ được mà việc này lại không giải quyết được?" - ông Nghị thẳng thắn đặt câu hỏi cho các cán bộ chủ chốt của toàn thành phố.

Không thể nói đến bệnh viện lại không có đất

Năm 2011, Hà Nội xác định các khâu đột phá cần tập trung thực hiện: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm tính công khai minh bạch, thuận lợi cho người dân, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; và tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.

Nhận định quy hoạch đô thị là nhiệm vụ có ý nghĩa lâu dài đối với thủ đô, ông Nghị một mặt ghi nhận những công trình có ý nghĩa văn hoá xã hội mà thành phố đã chỉ đạo xây dựng và tu bổ nhân dịp Đại lễ nghìn năm, mặt khác đề nghị thành phố "hạ quyết tâm xây dựng một bệnh viên đa khoa mới hiện đại với quy mô 500 giường".

"Mấy chục năm đổi mới, thành phố đã có thêm bao nhiêu công trình, khu đô thị mới khang trang, hiện đại không thua kém nước ngoài, nhưng lại không xây thêm được một bệnh viện nào mới". Ông Nghị yêu cầu các quận, huyện giới thiệu quy hoạch quỹ đất: "Không thể nói những công trình khác thì tìm ra đất mà nói đến bệnh viện lại không có đất".

Bí thư thậm chí "đã nghĩ ra chỗ có thể lấy đất được": "Nếu không tìm được chỗ nào hay hơn, tốt hơn, hãy thu hồi giấy phép cấp cho dự án bệnh viện của Hàn Quốc 5-6 năm nay không làm" - ý kiến của ông Nghị được cả hội trường vỗ tay ủng hộ.

Bí thư Thành ủy cũng bày tỏ: "Điều đáng lo ngại là có một bộ phận cán bộ, đảng viên không lấy sự cống hiến làm mục tiêu phấn đấu và thước đo thi đua, mà lại chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp cho những mục đích cá nhân không chính đáng".

Ông mong muốn cán bộ, đảng viên các cấp chính quyền của Thủ đô sẽ nhận thức được những khó khăn, thuận lợi và bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2011.  

Thủy Chung