- Trong lúc lên rừng lấy củi, cháu Trang không may bị ong vò vẽ chích 115 nốt khắp người, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Ngày 5/11, BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, trung tâm đang nỗ lực điều trị cho bệnh nhi Lý Quỳnh Trang (13 tuổi, dân tộc Dao, Tân Mai, Mai Châu, Hòa Bình) bị ong vò vẽ đốt 115 nốt - đây là loài ong có độc tính cực mạnh.

Trưa ngày 2/11, Trang cùng các bạn lớp 7 bán trú THCS Tân Mai rủ nhau đi lấy củi để nấu cơm không may cả nhóm bị ong đốt. Trong đó, Trang bị nặng nhất với 115 nốt đốt khắp toàn thân. 

{keywords}
Bệnh nhi Lý Quỳnh Trang với các nốt đốt chi chít khắp người

Ngay sau đó, trẻ có cảm giác không nhìn thấy gì, rét run, khó thở, tiểu đỏ, có biểu hiện như sốc, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Mai Châu cấp cứu sau đó được chuyển gấp xuống Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vào rạng sáng ngày 3/11.

Tại thời điểm nhập viện, bác sĩ Dũng cho biết cháu Trang sốc rất nặng, tổn thương gan, rối loạn đông máu, suy thận. Thay vì lọc máu thông thường, các bác sĩ phải dùng máy siêu lọc máu.

“Đây là loại ong độc, trong nọc có chất gây dị ứng làm sốc phản vệ, ngoài ra khi bị loại ong này đốt có thể gây suy thận cấp, nếu không cấp cứu lọc máu kịp thời thì rất dễ tử vong”, bác sĩ Dũng nói.

Sau hơn 1 ngày điều trị, hiện bệnh nhi đã đi tiểu được dù vẫn còn đỏ, chức năng gan vẫn giữ được, trẻ tỉnh táo, có thể nói chuyện.

"Đến thời điểm này có thể khẳng định bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng lo lắng nhất hiện nay là biến chứng suy thận, có thể kéo dài kéo dài 20 ngày, thậm chí là 1 tháng", bác sĩ Dũng lo lắng.

BS Dũng cho biết, với người lớn, nếu bị ong vò vẽ đốt 10 nốt đã nguy hiểm, trong khi trường hợp này bị đốt đến 115 nốt là hết sức hiếm gặp. Độc tính của ong vò vẽ rất mạnh. Biểu hiện nặng nhất là sốc tử vong; viêm gan, thận; suy thận kéo dài hơn bình thường; hậu quả để lại có thể tàn phế.

Từ đầu năm đến nay Trung tâm chống độc đã tiếp nhận cấp cứu hơn 10 trường hợp bị ong đốt, trong đó một bệnh nhân nam bị đốt 113 nốt đã tử vong do chậm trễ chuyển tuyến.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi bị ong đốt mọi người có thể bôi thuốc kháng histamin dạng mỡ vào vết đốt, sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế để có can thiệp kịp thời.

Đặc biệt, với những trường hợp dưới 10 nốt đốt thì có thể theo dõi ở tuyến dưới, còn trên 10 nốt thì phải chuyển ngay lên tuyến trên để tránh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Thúy Hạnh