- Giờ nghị án, cụ bà được con gái dìu lên hàng ghế phía trên, sát hàng ghế bị cáo ngồi. “Mẹ ơi, mẹ ơi!”, mái tóc đã hoa râm nhưng bị cáo bật khóc như một đứa trẻ. Nhìn cảnh tượng ấy, không ai nghĩ bị cáo từng là một chiến sĩ công an có nhiều thành tích nay đã về hưu lại vướng vòng lao lý.

Sáng 17/9, tại phòng xử số 10, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “giết người” do bị cáo Lê Văn Lũy (SN 1961, quê Trà Vinh) thực hiện.

“Muốn được chết cùng vợ”

Phòng xử nhỏ, rất đông người dự khán ngồi theo dõi phiên tòa. Bị cáo đứng trước vành móng ngựa, sau lưng là người thân phía bị hại nhưng với bị cáo, họ cũng là người một nhà. Khác với nhiều phiên tòa xử tội giết người khác, không có một chút oán hờn, lời trách móc, chỉ có nước mắt và tiếng thở dài của những người trong cuộc. Bị cáo đối với người bị hại đã khuất cũng không hề ghen ghét, chỉ có sự yêu thương. Nhưng bi kịch đã xảy ra…

{keywords}

Người thân nạn nhân chạy theo dặn dò bị cáo sau phiên xử.

Theo cáo trạng, Lê Văn Lũy là con liệt sĩ, mẹ đã mất. Trước khi về hưu, bị cáo Lũy từng công tác trong ngành công an, đeo hàm cấp tá. Lũy sống cùng vợ là chị Huỳnh Thị B.T.(SN 1960), hai người con và mẹ chị T. tại căn nhà thuê thuộc phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM.

Do chị T. mắc nợ nhiều người nên liên tục có người đến nhà thúc ép trả nợ, thậm chí bị đe dọa nên chị T. có ý định tự tử. Không biết vợ vay tiền để làm gì nhưng vốn rất yêu thương vợ con, gia đình nên Lũy chỉ biết động viên vợ.

Đêm 5/1/2015, Lũy thức giấc thì thấy chị T. đang ngồi khóc. Biết vẫn là chuyện nợ nần, bị cáo lại ngồi an ủi vợ. Lúc này, chị T. lấy một con dao xếp để ở hộc tủ đầu giường định tự tử. Lũy vội vàng giật dao bỏ xuống nệm và tiếp tục khuyên ngăn, nói chuyện với vợ. Thế nhưng chị T. không thoát khỏi nỗi sợ hãi nợ nần, lại chồm qua người Lũy giật lại con dao định đâm vào mình.

Thất vọng. Tuyệt vọng. Lũy nói “nếu em muốn chết vậy thì để anh chết cùng em…”. Kết thúc câu nói, bị cáo cầm dao đâm vào ngực vợ nhiều nhát. Sau khi vợ vùng vẫy trút hơi thở cuối cùng, Lũy viết lại một lá thư tuyệt mệnh để lại cho người thân rồi dùng dao tự tử.

Trong lúc xảy ra sự việc, mẹ chị T. ở tầng dưới nghe tiếng động nên gọi 2 cháu ngoại cùng mình lên gọi cửa. Lát sau, đứa con trai trèo qua vách ngăn vào phòng phát hiện cảnh tượng kinh hoàng, cha và mẹ đều trên vũng máu. Chị T. đã chết, Lũy nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Nửa tháng sau, bị cáo xuất viện sau đó bị bắt để điều tra.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi

Tại tòa, bị cáo Lũy buồn bã nhắc lại bi kịch gia đình. Bị cáo thừa nhận nội dung bản cáo trạng và xin tòa xem xét, giảm nhẹ để bị cáo sớm được trở về. Với hành vi trên, Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt Lũy từ 10 đến 12 năm tù.

Được tòa mời lên thẩm vấn, mẹ nạn nhân cho biết bà là đại diện hợp pháp của nạn nhân nhưng cũng là mẹ của bị cáo. Về yêu cầu bồi thường, bà mếu máo nói rằng chẳng cần bồi thường gì từ người con rể, bà chỉ mong con rể sớm được trở về vì còn hai cháu ngoại.

Giờ nghị án, có lẽ cảm thông trước hoàn cảnh gia đình và sự nài nỉ của người thân, công an dẫn giải cho bị cáo gặp người nhà một lát. Mẹ chị T. được người con gái đi cùng dìu lên hàng ghế phía trên, sát hàng ghế con rể đang ngồi. “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”, mái tóc đã hoa râm nhưng bị cáo bật khóc như một đứa trẻ.

Không nói được thành lời, miệng mếu máo, bà cụ nắm chặt bàn tay đứa con rể đang đeo còng số 8. Họ cùng khóc, vài lời thăm hỏi trong nước mắt trôi nhanh. Cuộc gặp gỡ kết thúc, HĐXX vào phòng tuyên án. HĐXX nhận định hành vi phạm tội của bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, xét thấy trong vụ án xuất phát từ việc chị T. nợ nần định tự sát, sau khi bị cáo an ủi vợ không được, thấy vợ tiếp tục định tử tử nên nảy sinh ý định giết vợ, bị cáo có nhân thân tốt, bản thân từng đạt nhiều thành tích trong công tác được tặng Huy chương, gia đình có công với cách mạng, bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn nhận tội nên cần xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Từ đó, tòa tuyên phạt bị cáo Lũy mức án 7 năm tù về tội “giết người”.

Tòa dứt lời tuyên án, bị cáo được công an dẫn giải lên xe về trại. Người chị em của nạn nhân với theo dặn dò bị cáo. Mức án tuyên thấp hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát. Nhưng 7 năm tù vẫn là chặng đường dài chông gai phía trước không chỉ với bị cáo mà cả những người thân.

M.Phượng