- Hơn 1.300 bệnh nhi đang chờ mổ tim và con số này ngày càng chồng chất. Hạn chế về phòng mổ và vật lực nên không thể phẫu thuật nhanh chóng cho trẻ là điều khiến các bác sĩ vô cùng trăn trở.


Bệnh nhi tim mạch không thể…chờ

PGS – TS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM chia sẻ như trên trong buổi sơ kết sau 10 năm phẫu thuật tim tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 7/7.

Theo đó, 10 năm qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phẫu thuật tim cho 3115 ca, 2000 ca phẫu thuật tim hở và hơn 3000 ca thông tim.

“Lúc trước người ta thường nói trẻ đã vào khoa tim là đi cửa trước về cửa sau. Điều đó nghĩa tỷ lệ tử vong của bệnh nhi tim mạch rất cao. Tuy nhiên, chục năm qua y học trong nước phát triển, cơ hội được cứu sống của trẻ mắc bệnh lý tim mạch cũng nhờ thế mà tăng cao.”, bác sĩ Phúc nói.

Song song với các thành tựu đạt được đối với ngành phẫu thuật tim, các nhà làm chuyên môn của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đau đầu với vấn đề quá tải.

{keywords}

Ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.(Ảnh minh họa).

Hiện tại TP.HCM có 10 bệnh viện phẫu thuật được tim, nhưng chỉ có Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 thực hiện được cho bệnh nhi nặng dưới 10 kg. Các bệnh viện khác mổ được cho trẻ em là Viện tim TP.HCM, Chợ Rẫy, Nhân Dân Gia Định, Tâm Đức, Đại học Y dược…nhưng không dám xử lý các ca bệnh quá nhỏ (nặng dưới 10 kg).

“Sở dĩ các bệnh viện kể trên không mổ cho bệnh nhi dưới 10 kg không phải vì tay nghề bác sĩ không làm được mà do họ không có bác sĩ nhi. Cơ thể trẻ em hoàn toàn khác người lớn, riêng trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi) lại là một lĩnh vực riêng biệt.”, bác sĩ Phúc giải thích.

Chính vì thế, tất cả những ca dị tật bẩm sinh tim nặng đổ dồn hết về Bệnh viện Nhi Đồng 1. Cao điểm nhất vào năm 2012, danh sách chờ phẫu thuật tim của bệnh viện này lên tới 18.000 ca, năm 2014 cũng có hơn 13.000 bé đợi mổ.

Nhu cầu được phẫu thuật cứu sống của bệnh nhi nhiều là thế nhưng chỉ có một phòng mổ tim nên Bệnh viện Nhi Đồng 1 phẫu thuật từ 1 – 3 ca/ngày. Đó còn chưa kể các trường hợp cấp cứu ngưng tim/thở đột xuất từ bệnh viện tuyến dưới chuyển tới, khiến em bé đã được lên lịch phẫu thuật trước đó phải rời sang ngày khác, nhường chỗ cho ca bệnh cấp bách hơn.

“Mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trẻ em sinh ra bị bệnh lý tim bẩm sinh, danh sách chờ mổ tim của bệnh viện vì thế chưa xử lý được bao nhiêu lại cứ dài thêm mãi. Trong quá trình chờ đợi mổ, bác sĩ luôn phải đối phó với nguy cơ bệnh tình các bé nặng thêm, có thể tử vong bất cứ lúc nào.”, bác sĩ Phúc thở dài.

Bác sĩ tăng ca cả thứ 7, chủ nhật

Khắc phục tình trạng quá tải bệnh nhi tim mạch kể trên, bệnh viện đã tăng cường thêm một phòng mổ tim nữa.

Không chỉ thế, để bệnh nhi nhanh chóng được mổ, các bác sĩ còn tăng ca, làm việc luôn cả thứ 7, chủ nhật. Dù vậy, mổ nhanh chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề, bệnh nhi ra khỏi phòng mổ sẽ nằm đâu? Bởi một bệnh nhi sau mổ tim phải nằm hồi sức ít nhất 2 ngày.

Vì thế, cách đây vài tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 phải sắp xếp một phòng đệm có chức năng như phòng hồi sức, với quy mô 30 giường tại khoa Phẫu thuật tim.

PGS – TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 hy vọng giữa năm nay Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM với quy mô 1000 giường sẽ đi vào hoạt động. Khoa Phẫu thuật tim của bệnh viện này sẽ góp phần giảm tải cho Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Đồng thời, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị thành lập mạng lưới quản lý và điều trị bệnh tim bẩm sinh cho khu vực phía Nam.

Mục đích của ý tưởng trên giúp bệnh nhi được chẩn đoán và quản lý tại địa phương. Các bé sẽ được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau khi xuất viện lại về bệnh viện địa phương tái khám theo phác đồ của Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Thanh Huyền