– Thời tiết thay đổi lúc giao mùa khiến nhiều trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, còn có nhiều trẻ mắc bệnh sốt virus (nhiều trường hợp sốt có biến chứng). Trong khi đó, dịch tay chân miệng tiếp tục nóng.

TIN LIÊN QUAN:

Cẩn trọng sốt virus biến chứng

Tại bệnh viện Nhi TW, thời điểm giao mùa này đã khiến nhiều trẻ phải nhập viện (tăng khoảng 200-300 trẻ so với ngày thường). Bệnh mà trẻ mắc nhiều nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Nhiều trẻ mắc bệnh về đường hô hấp tại thời điểm giao mùa - (Ảnh minh họa: N.A)
 

Trong khi đó, tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhi đến khám, cấp cứu và điều trị nôi trú tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Trong số trẻ đến khám, cấp cứu thì có 2/3 là phải nhập viện điều trị nội trú.

Nguyên nhân của bệnh được xác định là do thời tiết thay đổi liên tục, từ nóng sang lạnh và ngược lại, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị tác động của ngoại cảnh.

Điều đáng chú ý là có nhiều trường hợp không được can thiệp kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, trong thời điểm này, nhiều trẻ đang bị sốt virus kèm các biến chứng như co giật, choáng, … Thông thường co giật do sốt cao là không nguy hiểm (vì hết sốt là co giật cũng chấm dứt). Nhưng trong trường hợp co giật do biến chứng của viêm não, nhiễm trùng, nhiễm độc thì rất nguy hiểm đến tính mạnh.

Ngành y tế khuyến cáo trong thời điểm giao mùa, cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ, cho trẻ ăn chín, uống sôi, đầy đủ dinh dưỡng và giữ ấm hợp lý (ngày hơi nóng, tối lạnh). Ngoài ra, cần giữ môi trường sạch sẽ, nhà cửa thoáng mát để sức khỏe trẻ được đảm bảo.

Dịch tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Bộ Y tế, tích luỹ từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 57.055 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 61 địa phương trong đó đã có 111 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố.

Dịch tay chân miệng không có dấu hiệu giảm (Ảnh: VietNamNet)

Địa phương mới nhất ghi nhận có bệnh nhân tử vong là Hà Nội. Đến nay, một số trường mầm non trên địa bàn thành phố đã xuất hiện bệnh nhân tay chân miệng và đã được cho nghỉ học để theo dõi. Hiện nay, Hà Nội chưa phát hiện ổ dịch tay chân miệng nào.

Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết ngành y tế đang triển khai các biện pháp tuyên truyền để người dân chủ động phòng tránh. Bởi đây là bênh lây qua đường tiêu hóa thông qua tiếp xúc trực tiếp, mầm bệnh tồn tại lâu trong môi trường bình thường, tỷ lệ người khỏe mạnh mang trùng cao nên khả năng lây lan lớn.

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Hiện nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận trên cả nước không tăng hơn nhưng mức độ giảm rất chậm do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm. Ngoài ra, sự phối hợp của các ban ngành tại địa phương chưa tích cực nên hiệu quả phòng chống còn hạn chế”.

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Người chăm sóc trẻ và trẻ em phải rửa tay thường xuyên trong ngày bằng xà phòng và các dung dịch rửa tay sát khuẩn trong các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ và trong các hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi.

- Thường xuyên làm sạch nền nhà, bàn ghế, các đồ chơi, vật dụng của trẻ bằng xà phòng và các chất sát khuẩn thông thường khác. Đây là cách hiệu quả để diệt trừ mầm bệnh.

N.Anh