“Luật có quy định, trường hợp cử tri vì khuyết tật, không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Do đó, có thể thực tế nhìn thấy người nào đó bỏ nhiều phiếu vào hòm phiếu cũng chưa thể khẳng định là người đó bầu hộ, bầu thay”, Trưởng ban Công tác đại biểu, ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia khẳng định.

Trao đổi với báo chí trước băn khoăn về tỷ lệ cử tri đi bầu khá cao nhưng vẫn còn tình trạng một số cử tri đi bầu theo kiểu cảm tính, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia cho rằng cả nước có hơn 69 triệu cử tri với nhiều thành phần, độ tuổi, trình độ khác nhau thì việc có một số trường hợp cử tri ít quan tâm tới việc bầu cử chỉ là những trường hợp cá biệt.

Còn lại phần lớn cử tri đi bầu với tinh thần trách nhiệm rất cao, nghiên cứu kỹ trước khi lựa chọn ĐBQH, ĐB HĐND các cấp. 

{keywords}
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy

Nói về chuyện bầu hộ, bầu thay, ông Túy cho hay, đây là nỗi lo chung của Hội đồng bầu cử quốc gia cũng như Ủy ban bầu cử các cấp. Điều 69 luật Bầu cử ĐBQH và ĐN HĐND quy định nguyên tắc: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội, một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.

Việc này đã được tuyên truyền, phổ biến đến từng cử tri từ nhiều ngày trước bầu cử. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin nào về trường hợp bầu hộ, bầu thay.

Riêng việc bỏ phiếu hộ, luật có quy định về trường hợp cử tri vì khuyết tật, không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

“Do đó, có thể thực tế nhìn thấy người nào đó bỏ nhiều phiếu vào hòm phiếu cũng chưa thể khẳng định là người đó bầu hộ, bầu thay, rất có thể chỉ là bỏ phiếu như trường hợp luật định”, ông Túy khẳng định.

Thu Hằng