- Nghi phạm khai báo về chi tiết bi kịch dẫn đến hành động bắt cóc trẻ sơ sinh. Trước đó, công an Q.7, TP.HCM đã xác lập chuyên án, truy lùng đối tượng và phá án trong 4 ngày.

Lời khai cay đắng của nghi phạm

Chiều 13/1, đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn – trưởng công an Q.7, TP.HCM xác nhận, đã ra quyết định tạm giữ hình sự nghi can Lê Thị Bích Trâm (SN 1989, ngụ P.Tân Hưng, Q.7, tạm trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, là nhân viên điều hành xe buýt HTX 26, trụ sở huyện Nhà Bè) để điều tra, xử lý về hành vi “chiếm đoạt trẻ em”.

{keywords}
Nghi phạm Lê Thị Bích Trâm khai báo tại công an

Bước đầu tại cơ quan công an Trâm đã thừa nhận bắt cóc cháu bé sơ sinh Trương Văn Hoài, con của sản phụ Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1973, ngụ Q.7) tại bệnh viện Q.7 vào sáng 9/1 như VietNamNet đã thông tin.

Em đã biết hối hận rồi, em sợ chồng bỏ nên em nghĩ quẩn và làm liều, chứ thực ra em thương bé như con em” – Trâm khóc nức nở khi khai báo.

Theo lời khai của Trâm, hơn 1 năm trước Trâm và anh V.T.L (SN 1987, ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) tổ chức đám cưới, nhưng không đăng ký kết hôn. Sau đó, Trâm về làm dâu tại gia đình chồng tại ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh…

Quá trình chung sống Trâm có thai; chồng nhiều lần chở đi viện thăm khám và siêu âm, dự đoán sẽ sinh một bé gái. Từ đó Trâm chuẩn bị sẵn tất cả quần áo, tả lót, đồ chơi cho trẻ sơ sinh gái. Tuy nhiên theo Trâm, đời sống vợ chồng có một số bất đồng…

Đến tháng thứ 3 thì thai nhi bị sảy, Trâm phát hoảng không phải sợ vì chuyện hư thai mà sợ chồng…bỏ vì chuyện không có con, cùng những bất đồng trong hôn nhân gần đây. Thời gian này Trâm nghĩ ra cách “độn” bụng và ăn uống nhiều để che đậy việc thai nhi bị hỏng; ai cũng nghĩ Trâm sắp sinh con…

Theo suy nghĩ của Trâm, phải có 1 đứa con mới níu kéo được cuộc sống vợ chồng. Do đó trong lúc nghỉ quẩn, Trâm liền nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em để qua mặt chồng và gia đình.

Chiều 8/1, Trâm lê la tại khoa sản bệnh viện Q.7, tiếp cận sản phụ Tâm vừa sinh con. Giả vờ đưa chị dâu đi sinh, Trâm trò chuyện thân mật và ngủ lại tại giường chị Tâm. Đến sáng 9/1, Trâm ra tay bắt cóc con trai chị Tâm vừa sinh 1 ngày tuổi…

Đáng nói khi Trâm bế cháu bé về, thông báo vừa sinh con thì nhà chồng…mừng vui ra mặt. Riêng anh L (chồng của Trâm) ngờ ngợ vì kết quả siêu âm…“giống mẹ” nhưng giờ sinh con trai, nên dò hỏi Trâm về kết quả siêu âm thai nhi.

Trâm nói để ở nhà mẹ đẻ, nhưng chỉ vài ngày sau, gia đình chồng mới té ngửa, nhận ra sự thật về đứa cháu…khi công an tìm đến tận nơi truy bắt Trâm.

Hành trình lần theo dấu vết “mẹ mìn”

Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Q.7, công an quận đã xác lập chuyên án để điều tra, do đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn – trưởng công an quận làm trưởng ban. Toàn bộ lực lượng trinh sát đội cảnh sát hình sự, công an Q.7 đã vào cuộc.

{keywords}
Nghi phạm Trâm khóc nức nở, nấp sau nữ trinh sát trước ống kinh báo chí

Trinh sát tiếp cận với ông H.V.H (SN 1975, ngụ huyện Nhà Bè) là người hành nghề xe ôm trước cổng bệnh viện Q.7 nhưng ông này chỉ khai báo sáng 9/1, từng chở 1 người phụ nữ bế đứa trẻ sơ sinh từ bệnh viện Q.7 về dạ cầu Tân Thuận 2, hoàn toàn không biết gì.

Rà soát các khu vực, đặc biệt là nhắm đến các xe ôm, trinh sát xác định, nghi can bắt cóc di chuyển qua nhiều đoạn đường khác nhau, liên tục thay đổi xe ôm nên rất khó phát hiện.

Song song với việc rà soát địa bàn, ban chuyên án còn nhờ 1 họa sĩ là giảng viên tại trường Đại học ở TP.HCM vào cuộc, bằng cách phác họa lại chân dung nghi phạm qua lời kể của bà Tâm (mẹ cháu bé) và những sản phụ, nhân chứng cùng phòng ở khoa sản bệnh viện Q.7. Từ đó chân dung nghi phạm được công an Q.7 nhờ các phương tiện truyền thông đăng tải, tấm ảnh ban đầu được phác họa đen - trắng, khá rõ nét.

Trong khi họa sĩ đang phác họa chân dung 3D hoàn chỉnh để cung cấp cho báo chí thì 1 số báo mạng đã tự dùng đội ngũ kỹ thuật 3D, chỉnh sửa hoàn chỉnh từ bản vẽ thô của họa sĩ.

Chính từ những hình ảnh này, người dân khắp nơi gọi điện tới công an Q.7 thông báo nghi vấn về những người phụ nữ lạ “sở hữu” đứa trẻ sơ sinh, không rõ cha mẹ mà họ gặp trên đường hay ở khu vực sinh sống.

Thượng tá Nguyễn Văn Thanh – đội trưởng đội cảnh sát hình sự, công an Q.7 kể: “Thông tin về rất nhiều nên anh em trinh sát chúng tôi chia làm 5 tổ đến tận các tỉnh như: Long An, Sóc Trăng, Bình Dương để tìm hiểu”.

Qua sàng lọc các nguồn tin báo, cuối cùng nghi vấn dồn về  người phụ nữ nuôi 1 bé trai đang cư ngụ ở ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, là đối tượng Trâm.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát làm rõ trưa 9/1 Trâm bế bé trai về nhà và suốt ngày ở lỳ trong phòng. Tiếp cận xác minh, đến chiều tối 12/1 công an đủ cơ sở xác định Trâm chính là hung thủ thực hiện vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Q.7

Từ đêm 12 đến trưa 13/1, các trinh sát lần lượt tiếp cận, thuyết phục các thành viên trong gia đình chồng của Trâm để họ vận động đưa Trâm ra đầu thú, để tạo điều kiện cho Trâm được hưởng chính sách khoan hồng. Đến gần 11h trưa 13/1 Trâm bế cháu bé ra khỏi nhà xin đầu thú, trao tận tay cháu bé cho trinh sát.

Hành trình phá án kết thúc. Niềm vui của không chỉ trinh sát, của ban chuyên án mà của dư luận khi thấy được cháu bé bị bắt cóc sau 4 ngày vẫn an toàn, khỏe mạnh.

Bị áp giải trước ống kính phóng viên, Trâm núp sau nữ trinh sát, bật khóc nức nở và luôn miệng la lớn “em biết lỗi rồi!”. Suy cho cùng, vụ án Trâm gây ra dư luận phẫn nộ nhưng đằng sau đó cũng có những nỗi niềm chua xót, đau đớn của phận nữ nhi theo chồng.

Anh Sinh