Chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 5 trên Biển Đông sáng nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định đây là cơn bão mạnh, hiện tại gió giật cấp 9 và vào bờ khả năng mạnh thêm.

{keywords}
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, đến thời điểm này có thể khẳng định đây là cơn bão mạnh

Khu vực chịu ảnh hưởng của bão tập trung dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, hoạt động kinh tế biển nhộn nhịp, nhiều đô thị lớn và khu du lịch, nghỉ dưỡng, dọc dải ven biển và trên các đảo có khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm ứng phó với bão của người dân còn hạn chế.

Vì vậy, các bộ ban ngành, địa phương không được chủ quan, cần nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến và nhanh chóng triển khai ứng phó với bão.

Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc (15-20km/h) và có thể mạnh thêm.

{keywords}
Ảnh mây vệ tinh bão số 5

Đến 16h chiều nay, tâm bão ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận. Sức gió cấp 9, giật cấp 11.

Chiều tối nay, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gió cấp 6, giật cấp 8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Campuchia.

Sáng nay vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11.

Ở Nam Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.

Chiều nay trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 10.

Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Theo ông Khiêm, từ 30 - 31/10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa 300-400mm/đợt; riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt.

Ngày 31/10 đến 2/11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa 200-300mm/đợt; riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500mm/đợt. Sau đó ngày 4-5/11,  mưa lớn khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung Bộ.

Từ 30/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Khánh Hòa lên mức báo động BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.

Các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ ngập lụt sâu diện rộng tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa.

{keywords}
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo hiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm còn 557 tàu/6.230 người

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo, đến 16h hôm qua đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.715 phương tiện/278.407 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão.

Hiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm còn 557 tàu/6.230 người (nhiều nhất là Phú Yên 287 tàu).

Hai tàu bị sự cố là tàu BĐ 98413 TS/06 LĐ đang được các tàu trong tổ đội đang hỗ trợ kéo ra ngoài phạm vi nguy hiểm. Tàu BĐ 96389 TS/08LĐ vào sáng nay đã có tàu Hải quân (KN411) tiếp cận và lai dắt vào đảo Phú Quý để tránh bão.

12 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó.

4 tỉnh (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận) tổ chức họp triển khai ứng phó với bão và mưa lũ.

Bình Định đã cấm  biển từ chiều qua. Các tỉnh khác dự kiến cấm biển trong hôm nay. Khánh Hòa đã di dời 80% số lượng lồng bè và 830 hộ dân/ 3.200 người một số khu vực nguy hiểm (tại khu vực sạt lở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang).

Bình Định khẩn trương ứng phó với bão

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng sáng nay trực tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 5 tại nhiều địa bàn xung yếu: Tuyến bờ kè Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), đập dâng Nha Phu, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát),… Đến các khu vực dân cư ở xã Phước Hòa ông nhắc nhở người dân chủ động các phương án ứng phó với bão như chằng chống nhà cửa, tích trữ lương thực, nước uống,…

{keywords}
Chủ tịch tỉnh Bình Định kiểm tra kè Nhơn Lý. Ảnh: Phúc Nhơn

Tỉnh Bình Định đang kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn và hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nơi tránh trú.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, toàn tỉnh hiện có khoảng 6.115 tàu/42.553 lao động đang hoạt động ngoài khơi đã vào nơi tránh trú bão an toàn.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định Đào Đức Tuấn sáng nay ban hành thông báo khẩn yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông và đơn vị trực thuộc cho học sinh nghỉ học từ chiều nay đến hết ngày 31/10. Đồng thời, báo cáo với chính quyền địa phương yêu cầu gia đình giữ con em ở nhà, không cho đi đùa nghịch nước, chèo bè, chống sõng, tắm sông, tắm biển.

Thái An - Phúc Nhơn

Bão đổ bộ vào đất liền khu vực Bình Định - Ninh Thuận

Bão đổ bộ vào đất liền khu vực Bình Định - Ninh Thuận

 Bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, đến 20-21h ngày mai sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Bình Định - Ninh Thuận.