“Nội soi” tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp

Những năm qua, báo chí nước nhà đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, thể hiện sự đổi mới rõ nét về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nội dung thông tin, về quản lý nhà nước, về thông tin, tuyên truyền... Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận phóng viên, nhà báo “quấy nhiễu” doanh nghiệp, cơ quan công quyền.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về thực trạng doanh nghiệp bị một số tờ báo, tạp chí đe dọa để chào mời quảng cáo, đại diện nhiều doanh nghiệp, cả tư nhân lẫn doanh nghiệp nhà nước, đều chung một câu trả lời: “Nhiều không đếm xuể!”. Tuy nhiên, tất cả đều đề nghị giấu kín danh tính, vì “sợ phiền phức”.

Ông T - đại diện truyền thông của một tập đoàn tư nhân lớn cho biết, ông vừa nhận được tin nhắn của phóng viên một cơ quan báo chí.

Nội dung là phóng viên đó đề nghị làm việc với người phát ngôn của tập đoàn để yêu cầu “cung cấp một số tài liệu liên quan để phục vụ tốt cho công tác phản ánh”. Nhưng do vấn đề phóng viên đó hỏi sai địa chỉ, không liên quan gì đến doanh nghiệp, nên vị này đề nghị gửi vấn đề cần trao đổi vào email để nắm thông tin, rồi sẽ có phản hồi.

Tuy nhiên, phóng viên này nằng nặc từ chối, và nhắn rằng “nếu không gặp được người phụ trách” thì vẫn sẽ đăng bài, rồi không quên cảnh báo rằng ý kiến của lãnh đạo công ty thì sẽ ghi nhận và “đăng vào các kỳ sau của loạt bài”.

{keywords}
Báo chí tác nghiệp

Rồi ông kể tiếp một vài câu chuyện khác trong vô số những câu chuyện mà ông phải đối mặt với một số người tự xưng là “phóng viên” của các cơ quan báo chí. “Họ toàn ở những tờ mà khi họ gọi đến chúng tôi mới biết là có cơ quan báo chí như vậy. Có lần chúng tôi gặp một sự cố nhỏ về môi trường. Một phóng viên gọi đến dọa rằng không ký hợp đồng 100 triệu thì “phang” bài. Chúng tôi từ chối vì ký với người này thì sẽ có thêm rất nhiều “phóng viên” khác kéo đến”, ông T kể.

Nói về lý do không phản ánh đến cơ quan chức năng trước việc những người tự xưng là phóng viên “vòi vĩnh” như thế, ông T cho biết: “Nếu báo công an thì xử lý được những người đó, nhưng 'chưa được vạ má đã sưng' nên chúng tôi đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Còn đại diện truyền thông của một doanh nghiệp nhà nước bức xúc: “Mỗi ngày tôi nhận được không biết bao nhiêu cuộc gọi mời chào truyền thông, quảng cáo, tài trợ sự kiện, tài trợ chương trình này nọ. Khi không được đáp ứng thì họ liên tục gọi điện quấy nhiễu, đe dọa. Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, kinh phí cho truyền thông có giới hạn, đâu thể lúc nào cũng đáp ứng được”.

Ngoài thực trạng “phóng viên đếm tầng”, “nhóm phóng viên IS” mà chính các lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí từng nêu cũng như bản thân nhiều nhà báo chân chính thường gọi, còn có thêm tình trạng xua quân đi “đánh để lập kế hoạch quảng cáo cho năm sau” và “bảo trợ đen”. “Đánh để lập kế hoạch quảng cáo” xuất hiện vào dịp cuối năm, khi một số tòa soạn “bật đèn xanh” cho phóng viên đi quấy các doanh nghiệp, đơn vị để buộc lòng họ phải “im chuyện” bằng hợp đồng truyền thông. Hợp đồng truyền thông sẽ được đưa vào kế hoạch cho năm sau.

Còn “bảo trợ đen” là gì? V.X.H là phó tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản kể, tập đoàn nhiều dự án, với vai trò phụ trách cả vấn đề đối ngoại, anh thường xuyên phải tổ chức những bữa tiệc xử lý “truyền thông đen”, hay còn được gọi là “bảo trợ đen”. Cứ mỗi lần tập đoàn chuẩn bị ra mắt dự án mới, anh phải ôm một cọc tiền đi xử lý những tờ báo, tạp chí hay “quấy bất động sản”. Khi dự án xuất hiện trên báo với thông tin xấu, sẽ được “xử lý” đến phóng viên, thậm chí đến ban biên tập.

Đáng nói, văn phòng thường trú, phóng viên thường trú được ví như cánh tay nối dài của tòa soạn tới các vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do còn bị buông lỏng quản lý nên không ít phóng viên thường trú, cộng tác viên gây nhiễu và làm ảnh hưởng đến môi trường tác nghiệp báo chí trên địa bàn.

Đặc biệt, khu vực Bắc Trung Bộ là nơi có nhiều cơ quan báo chí có văn phòng thường trú, văn phòng đại diện và có hàng trăm nhà báo, phóng viên hoạt động. Đây cũng là vùng được đánh giá xuất hiện nhiều tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, quấy rầy địa phương, giả danh nhà báo, nhà báo bị bắt vì tống tiền tổ chức, cá nhân...

Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức (Vụ trưởng, Trưởng phòng Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản) là một nhà báo từng trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực và cơ quan báo chí cho rằng, thực trạng báo chí sách nhiễu doanh nghiệp hay các cơ quan công quyền là tình trạng đáng báo động, nó khiến các doanh nghiệp rất sợ gặp báo chí. Sợ ở đây, không phải vì công việc, mà là những tình cảnh doanh nghiệp, các cơ quan công quyền bị nhà báo dọa dẫm, ép xin quảng cáo, thậm chí còn có tình trạng đánh hội đồng doanh nghiệp. “Tôi được biết có doanh nghiệp đưa tiền cho tờ báo này thì sau đó nhiều cơ quan báo chí khác cùng vào cuộc với kịch bản tương tự", ông Thức chia sẻ.

"Họ đã mang sẵn ý đồ"

Thực tế, rất khó có một thống kê cụ thể từ các cơ quan quản lý với hiện tượng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp, cơ quan công quyền. Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí (Thanh tra Bộ TT&TT) thừa nhận điều này và lý giải, với tình trạng tiêu cực trong hoạt động báo chí, nếu chỉ thuần túy thống kê theo số trường hợp xử lý của cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ không đầy đủ và toàn diện.

Theo các cơ quan chức năng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng một bộ phận phóng viên, nhà báo nhũng nhiễu doanh nghiệp và có các hành vi tiêu cực.

{keywords}
Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí (Thanh tra Bộ TT&TT)

Thanh tra Bộ TT&TT từng chỉ ra các nguyên nhân. Theo đó, nguyên nhân chính và  đầu tiên là sự buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí và của đơn vị chủ quản của cơ quan báo chí. Điều này dẫn đến tình trạng tòa soạn thiếu kiểm soát hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Thậm chí, tại một số cơ quan báo chí có hiện tượng giao khoán toàn bộ công việc cho phóng viên và văn phòng đại diện. Chính vì vậy, nhiều phóng viên và văn phòng đại diện đã tự tung, tự tác, dẫn đến xảy ra rất nhiều sai phạm.

Nguyên nhân thứ hai từ chính một bộ phận nhà báo, phóng viên bị suy thoái về tư tưởng, đạo đức. Khi đi tác nghiệp, họ đã mang sẵn ý đồ muốn thực hiện hành vi tiêu cực và trục lợi từ hoạt động nghề nghiệp của mình, vì vậy, khi gặp tình huống có thể lợi dụng, họ sẵn sàng sử dụng thủ đoạn, mánh khóe để dọa dẫm, gây sức ép với đối tượng, bộc lộ rõ bản chất. Điều băn khoăn là trong số này có những phóng viên tuổi đời còn rất trẻ.

Nguyên nhân thứ ba là quy định pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ, một số hành vi chưa được cập nhật. Mức phạt nói chung còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Quá trình xử lý mới dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, chưa chú trọng xử lý trách nhiệm cá nhân.

Nguyên nhân thứ tư là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hoạt động của phóng viên hiện vẫn còn hạn chế, đặc biệt là giữa cơ quan công an với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

 "Một phóng viên, một nhà báo có tư cách sẽ luôn có bản lĩnh và biết cách ứng xử trong mọi trường hợp. Do vậy, một trong các nguyên nhân của hiện trạng trên đến từ chính bản thân các nhà báo, phóng viên của chúng ta".

Ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra báo chí (Thanh tra Bộ TT&TT)

Những hoạt động tiêu cực của nhà báo, phóng viên thường bắt đầu với ý đồ xấu từ trước đó. Do vậy, họ sẽ chủ động sử dụng những thủ đoạn đối phó tinh vi mà cơ quan quản lý nhà nước thông thường rất khó phát hiện. Việc tìm ra chứng cứ đòi hỏi phải có những nghiệp vụ điều tra chuyên sâu để theo dõi, xác minh. Để xử lý có hiệu quả những hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí, sự phối hợp của cơ quan công an là quan trọng.

Trong thời gian qua, sự phối hợp này vẫn chưa được thực hiện tốt. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng phóng viên, nhà báo nhũng nhiễu doanh nghiệp ở nhiều nơi chưa được ngăn chặn triệt để.

Cốt lõi nhất vẫn là thượng tôn pháp luật!

Để ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận báo chí đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, không  chỉ riêng Thanh tra Bộ TT&TT mà nhiều cơ quan sẽ phải cùng tiến hành. Như cơ quan thanh tra chuyên ngành, cơ quan chủ quản, cơ quan công an.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nên nghiên cứu áp dụng mô hình đang được đánh giá là rất hiệu quả của Chính phủ hiện nay để xử lý các “điểm nóng” nhũng nhiễu: Thành lập các tổ công tác để làm việc với các hiệp hội, các doanh nghiệp, các cơ quan chủ quản, các ban biên tập để nắm bắt, thông báo, cảnh báo, xử lý tình trạng phóng viên, nhà báo nhũng nhiễu.

Với các cơ quan chủ quản, cần siết chặt hơn nữa vai trò, nâng cao trách nhiệm chỉ đạo, quản lý. Không được khoán doanh thu quảng cáo, thậm chí không được chỉ đạo phóng viên làm nội dung đi thực hiện các hoạt động quảng cáo, truyền thông. Bởi thực tế cho thấy, ở các báo có đội ngũ kinh doanh – quảng cáo riêng biệt thường ít xảy ra tình trạng phóng viên nhũng nhiễu hơn.

Với tình trạng tiêu cực trong hoạt động báo chí, nếu chỉ thuần túy thống kê theo số trường hợp xử lý của cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ không đầy đủ và toàn diện.

 Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp với phóng viên thường trú và cộng tác viên; có quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ…  Kiên quyết cho dừng hoạt động, tạm đình chỉ những văn phòng đại diện và phóng viên thường trú không đủ điều kiện hoạt động; hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích. Cần có các chế tài mạnh hơn nữa, cơ quan báo chí nào có phóng viên nhũng nhiễu vi phạm đến lần thứ 3, báo đó phải bị đình bản. Tổng biên tập, ban biên tập phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc quản lý phóng viên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, việc cốt lõi nhất để ngăn chặn thực trạng trên là các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên phải tôn trọng pháp luật về báo chí, phải thượng tôn pháp luật. Ngoài ra, bản lĩnh, trình độ, phẩm giá của nhà báo rất quan trọng, nhiều người sẵn sàng viết nhiều thứ, không nóng vội, chộp giật, chấp nhận cuộc sống đạm bạc nhưng được kê cao gối ngủ, không phải suy nghĩ, bận tâm hay lo lắng những việc khác sẽ thay đổi tính khách quan, chân thật của thông tin.

Còn theo ông Lê Trần Nguyên Huy, Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các tờ báo làm kinh tế báo chí, nội bộ các tờ báo giám sát chặt chẽ hơn nữa tới việc tác nghiệp của phóng viên, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. “Tuy nhiên, trên tất cả vẫn là vấn đề con người, vấn đề quan điểm điều hành của mỗi tờ báo, mỗi ban biên tập. Báo chí hành xử nghiêm ngắn, đúng mực với doanh nghiệp thì doanh nghiệp dù muốn cũng không thể “làm hư” báo chí được. Còn đối với doanh nghiệp, nếu kinh doanh chân chính, tử tế thì không có lý gì phải thỏa hiệp “đi đêm” với báo chí”, ông Huy nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu, một số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực báo chí xuất bản gần đây đã được xử lý kiên quyết, nghiêm khắc hơn, tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa, nghiêm khắc hơn nữa mới có thể ngăn chặn được tình trạng tiêu cực trong hoạt động báo chí. "Điều quan trọng nhất vẫn là phải có sự kết hợp giữa các giải pháp xử lý. Nếu chỉ xử lý hành chính thông thường sẽ không đảm bảo được tính răn đe. Do vậy, cần phải kết hợp vừa xử lý về mặt hành chính, vừa xử lý về mặt nhân sự (trách nhiệm của người đứng đầu). Đối với vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm kéo dài, cần xem xét đình bản, thu hồi giấy phép", ông Ngô Huy Toàn nói.

Lập văn phòng đại diện chỉ để làm quảng cáo

Theo thống kê của Sở TT&TT TP.HCM, tổng số các cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện tại thành phố là 166 đơn vị, tuy nhiên chỉ có 87 đơn vị có thông báo hoạt động văn phòng đại diện.

Một số cơ quan báo chí có hiện tượng khoán hẳn cho văn phòng đại diện từ việc tổ chức văn phòng, tuyển phóng viên, biên tập viên, trả lương, khoán chạy quảng cáo. Có thời điểm văn phòng đại diện rao và tuyển dụng hơn trăm người.

Việc cấp giấy giới thiệu tràn lan dẫn đến không quản lý được, có cơ quan báo chí tự cấp thẻ nội bộ để phóng viên sử dụng đi tác nghiệp.

Có cơ quan báo chí ngoài văn phòng đại diện chính thức, còn mở nhiều văn phòng khác cho các chuyên trang, có nơi có đến 4, 5  văn phòng hoạt động trái pháp luật và trưởng văn phòng đại diện không quản lý các đối tượng này.

'Báo chí phải góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường'

'Báo chí phải góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  nhấn mạnh, mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường. 

Nhóm PV