- Tại hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XI bế mạc hôm nay (15/5), BCH Trung ương thống nhất về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị.

Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ trực thuộc Bộ Chính trị; đồng thời sẽ lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng tổ chức hồi tháng 3 vừa qua.

Phương án trên nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo sau khi hội nghị tiến hành đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng.

Như vậy, với mô hình ban chỉ đạo được kiện toàn nêu trên, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cơ chế này được đánh giá sẽ bảo đảm sự độc lập với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; phù hợp với thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện...

Phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tham nhũng là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân và gắn trực tiếp với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng.

Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đã sớm ban hành Nghị quyết của Trung ương, Pháp lệnh và tiếp đó là Luật Phòng, chống tham nhũng, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng và nhiều quyết sách khác; đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và các địa phương; đã tiến hành nhiều biện pháp liên tục, nhưng đến nay công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Tổng bí thư nói, Đại hội XI của Đảng nhận định: "Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội". Vì sao như vậy?

Ông nhấn mạnh, để trả lời cho câu hỏi này, cần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình tham nhũng, lãng phí và kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhận dạng cho đúng những biểu hiện nổi bật của tham nhũng, lãng phí trong một số lĩnh vực chủ yếu như: đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước, nhất là tại các doanh nghiệp nhà nước; hoạt động tín dụng, ngân hàng; công tác tổ chức, cán bộ...

Bên cạnh đó phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, quy mô, phạm vi, tính chất, mức độ so với trước đây và so với các nước. Khẳng định những kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Từ đó, tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là những nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân chủ quan gây ra tệ tham nhũng, lãng phí và dẫn đến những hạn chế, yếu kém đó.

"Phải chăng là do các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa phát huy đầy đủ ý thức và bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện? Do sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở đảng quá yếu? Do sự kém tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức? Do chưa phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân, của công luận? Do những bất cập trong việc ban hành, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật? Do mô hình tổ chức, hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng chưa phù hợp? Do sự yếu kém, tiêu cực trong công tác phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí?...

Trên cơ sở đó, đề ra những chủ trương, giải pháp quyết liệt, có tính đột phá, khả thi cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới".

L.Thư