- "Ốc u đã thổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa..." - tiếng ốc u giục giã, báo hiệu biệt ly từ bao đời đã đi vào lời hát ru của dân đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi), chất chứa niềm nhớ thương, ngóng vọng Hoàng Sa.

Tiếng ốc u li biệt

Bà Đỗ Thị Hảo (thôn Tây, An Vĩnh) được biết đến là người duy nhất trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ, hát được những bài hát về đội hùng binh Hoàng Sa. Ở tuổi 70, giọng hát của bà vẫn trong, đầy cảm xúc, gợi nhớ về quá khứ bi tráng của cha ông.

{keywords}

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trang nghiêm trên đảo Lý Sơn.

Bà Hảo cho biết chỉ còn 3 bài hát ru về hùng binh Hoàng Sa, trong đó có 2 bài do người đời sau sáng tác. Riêng bài Ốc u là cổ xưa nhất, do ông cha truyền lại trải qua bao đời.

"Bài này gắn với hình tượng tiếng ốc u, hiệu lệnh tập trung quân số để xuống ghe tàu. Xúc động lắm! Tôi đã nhiều lần hát trong nước mắt!", bà Hảo bùi ngùi.

"À ơi! Con ơi con ngủ cho sâu
Để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng...
Ốc u đã thổi lên rồi
Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa.

Hoàng Sa là của nước ta
Nay người ngoại quốc xâm vào chẳng yên.
Con ơi hãy ngủ cho yên
Để mẹ đi tiễn cha xuống thuyền chứ tù và kêu"

"Thường khoảng đầu tháng 3 khi trời yên biển lặng, đội hùng binh sẽ xuất phát ra Hoàng Sa. Có thể hình dung bối cảnh vào buổi sáng sớm, dân đảo nghe tiếng ốc u thổi giục giã dưới bến thuyền. Những bà vợ tất tả chuẩn bị đồ đạc cho chồng ra khơi.

Cuộc chia tay này được hiểu là tiễn biệt, một đi không trở lại. Mỗi lần hát lên, tôi đặt mình vào vị trí người mẹ, người vợ có chồng, con đi canh giữ Hoàng Sa. Câu hát sẽ da diết hơn, bi tráng hơn”, bà Hảo chia sẻ.

Xem clip: Bà Hảo trình bày bài hát ru cổ ‘Ốc u’

Lý Sơn là đảo tiền tiêu, bao thế hệ trai tráng đã phụng mệnh ra biển canh giữ chủ quyền Hoàng Sa. Trên đảo ngày nay rải rác những mộ gió, ngôi miếu thờ.

Bà Hảo kể, ngày xưa trên ghe tàu của đội hùng binh Hoàng Sa luôn mang theo bó chiếu, dây mây và nẹp tre. Khi có người trong đoàn bỏ mạng, họ sẽ lấy chiếu bó lại, dùng dây mây buộc chặt, kèm theo nẹp tre khắc tên người quá cố. Sau đó, thi thể sẽ được thả xuống biển, với hi vọng lỡ may trôi dạt vào bờ người ta còn biết tên!

“Hiện nay, nhà trưng bày Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn vẫn còn lưu giữ mẫu ghe tàu đi Hoàng Sa thời xưa. Trên ghe vẫn có bó chiếu, dây mây và nẹp tre”, bà Hảo cho biết.

40 năm hát ru Hoàng Sa, Trường Sa

Nhiều năm qua, trong những sự kiện lớn về biển đảo của Quảng Ngãi nói chung, huyện đảo Lý Sơn nói riêng; người ta lại thấy bà Đỗ Thị Hảo thể hiện các bài hát ru về Hoàng Sa, Trường Sa.

Tiếng hát của người đàn bà này làm lay động người nghe, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo đang nóng lên từng ngày.

{keywords}

Một góc đảo tiền tiêu Lý Sơn hôm nay.

Người dân Lý Sơn cho biết, từ khoảng 40 năm trước sau, khi lấy chồng và sinh con, bà Hảo đã là một người hát ru hay có tiếng ở Lý Sơn.

Những đêm đan lưới dưới trăng, bà cùng các ‘liền anh liền chị’ hát đối đáp với nhau. Bà lượm lặt các bài hát ru được lưu truyền trong dân gian, trong đó có bài ‘Ốc u’ nổi tiếng về hùng binh Hoàng Sa.

“Ngày đó tôi tham gia vào đội hát ru của huyện, dự hội thi cấp tỉnh và đoạt giải. Tôi trở thành người chuyên hát những bài về Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đáng tiếc là không còn ai ở Lý Sơn hát những bài này”, bà Hảo cho biết.

Bà chia sẻ rằng, việc lưu giữ và thể hiện những bài hát ru về Hoàng Sa, Trường Sa là trách nhiệm của bà và mọi người. “Cha ông đã vì nhiệm vụ, vì chủ quyền mà hy sinh như thế, mình có trách nhiệm phải lưu giữ, phải hát về Hoàng Sa như một cách để thông báo, một sự nhắc nhở, nhắn nhủ đến thế hệ mai sau”, bà Hảo nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu, chính quyền Lý Sơn đã có kế hoạch để truyền lại những bài hát ru cho lớp trẻ. Tuy thế hiện nay việc này vẫn giang dở, và bà Đỗ Thị Hảo vẫn chưa có ‘truyền nhân’ lưu giữ các bài hát thiêng liêng về Hoàng Sa.

“Ngay con gái tôi (chị Đặng Thị Hiền - PV) làm hướng dẫn viên tại nhà trưng bày Hoàng Sa, nhiều lần tôi bảo con tập hát ru theo mẹ nhưng vẫn không được. Tôi cũng muốn truyền lại nhưng lớp trẻ ngày nay không hứng thú với hát ru. Chỉ sợ một mai tôi không còn sức, những bài hát này sẽ mai một đi”, bà Hảo tâm sự.

Cao Thái