- “Chuyện này Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển từng vừa lau mồ hôi vừa trình bày trước Quốc hội. Giờ đã qua 3 Bộ trưởng mà “cuộc chiến” này vẫn chưa dừng”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.

{keywords} 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tổng thể đầu tư vẫn chưa đủ đảm bảo cho những điều kiện tối thiểu. Ảnh: Minh Thăng

Ý kiến của ông Ksor Phước nêu tại phiên họp của UBTVQH ngày 15/8 về giám sát, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về vấn đề trên, việc tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được thực hiện nghiêm túc, nhưng ở một số khâu còn thiếu khoa học, chưa bảo đảm liên thông, thống nhất.

Đó là không có tổng chủ biên chung cho môn học của tất cả các cấp học. Thiếu lực lượng chuyên trách, thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo...

Bất cập lớn nhất là “chương trình đi sau sách giáo khoa”.

Cụ thể, thay vì xây dựng một chương trình chuẩn, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp học, lớp học, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết sách giáo khoa thì thực tế mới chỉ xây dựng được chương trình khung để các tác giả căn cứ vào đó viết sách.

Không xác định được dạy gì

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh yêu cầu có chương trình thống nhất.

“Từ đó có thể có nhiều sách giáo khoa, ngân sách nhà nước chỉ tập trung đầu tư một bộ chuẩn, các cá nhân tổ chức tùy năng lực có thể tham gia làm sách và cạnh tranh trên thị trường bằng chất lượng”, ông Thi nói.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển nhận định giáo dục đang thiếu “hơi thở thời đại và tính thực tiễn”.

“Giáo dục đã nắm bắt thế nào yêu cầu của nền kinh tế, của việc hội nhập, của trình độ phát triển khoa học công nghệ, của những vận động trong đời sống văn hóa, của sự phát triển ở từng địa phương…”, ông Hiển đặt vấn đề.

“Thế nên sách giáo khoa không xác định được cần dạy cái gì cho học sinh. Sách Tam tự kinh ngày xưa ngắn, đơn giản, dễ hiểu mà ai cũng thuộc, cũng nhớ”.

Thấy trong thời gian ngắn mà ngành có quá nhiều thay đổi, cải cách không hiệu quả, lúng túng, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách thẳng thắn đặt câu hỏi: “Ngành giáo dục có thể thắng được lợi ích của mình để đặt lợi ích của nhân dân, xã hội lên trên”?

“Nói chuyện với nhiều người trong ngành, tôi thấy họ biết hết những bất cập, nhưng ngại cải cách, đơn cử là giảm tải chương trình thì giải quyết sao số giáo viên thừa ra”, ông Hiển nói.

Chia sẻ nhận định này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý ví von: “Ai cũng lo nồi cơm của mình mà không lo nồi cơm của xã hội thì làm sao có Thánh Gióng”.

Chung Hoàng