Lúc 7h sáng nay (16/10), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

{keywords}
Dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được từ 25-30km.

Đến 19h tối nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh, khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa, vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động. Từ trưa và chiều nay, vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.

Khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, riêng vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2,5-3,5m, biển động.

Từ ngày 16-21/10 ở Trung Bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to.

Tổng lượng mưa từ ngày 16-21/10 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến 500-800mm, có nơi trên 900mm; ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ 300-500mm, có nơi trên 500mm; ở Đà Nẵng, Quảng Nam từ 300-400mm, có nơi trên 500mm; Từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến 200-300mm, có nơi trên 350mm.  

Từ ngày 16-18/10 ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Sau ngày 21/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài.

55 người chết do mưa lũ

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, tính từ ngày 6/10 đến nay, mưa lũ tại miền Trung đã làm 55 người chết, 7 người mất tích. Có 649 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 168 điểm Quốc lộ, 33.639m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng.

Về nông nghiệp, có 900ha lúa, 5.514ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.978ha thủy sản bị thiệt hại; 445.708 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Tính đến 17h ngày 15/10, còn 14.937 hộ bị ngập và có nguy cơ sạt lở đất đang phải sơ tán, trong tổng số 21.785 hộ đã sơ tán; trong đó 14.867 hộ phải sơ tán do ngập lụt thuộc một số nơi của 7 huyện, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; 70 hộ phải di dời do nguy cơ sạt lở đất thuộc huyên Tây Giang (Quảng Nam). Các địa phương khác nước đã rút, người dân đã trở về nhà.

Đến trưa ngày 15/10 các lực lượng, phương tiện đã hoàn thành việc san gạt đất, thông xe tuyến quốc lộ 49 vào Thừa Thiên Huế và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (trên các tuyến quốc lộ và đường sắt đã hoàn toàn thông xe). Đang tiếp tục san gạt đất trên tuyến giao thông từ Tiểu khu 67 đi thủy điện Rào Trăng 3 tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hoàn lưu của bão số 7 cũng khiến 1 người mất tích (Mùa A Tráng, sinh năm 1987, huyện Trạm Tấu, Yên Bái, bị nước cuốn trôi khi lội qua suối); 1 nhà bị sập, 14 nhà hư hỏng. Tại tỉnh Nam Định xảy ra sự cố sạt mái kè Hải Thịnh 3, đê biển Hải Hậu với diện tích các hố sạt 278m2 (tại K25+320 và K25+770)…

Quặn thắt ở Rào Trăng

Quặn thắt ở Rào Trăng

“Mới ngày nào, tôi còn gói ghém đồ đạc cho con trai vào thủy điện Rào Trăng 3 làm việc thế mà bây giờ mất liên lạc. Giờ đây, tôi chỉ biết cầu nguyện cho con được bình an trở về”, bà Lương khóc nghẹn.  

Hương Quỳnh