- Uber và Grab không phải chịu nhiều chi phí nên tự do “làm giá” khiến taxi truyền thống không cạnh tranh nổi.

Taxi truyền thống chịu thiệt?

Tại hội thảo “Đổi mới quản lý hoạt động taxi, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi khách hàng đi xe taxi” sáng nay, ông Phạm Minh Chương, Phó TGĐ taxi Mai Linh cho biết: so với Uber và Grab, taxi truyền thống đang chịu nhiều thiệt thòi.

Trong khi taxi truyền thống thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí… nên việc tính toán giảm giá cước rất khó khăn thì Uber và Grab không phải chịu nhiều chi phí nên tự do “làm giá” khiến taxi truyền thống không cạnh tranh nổi.

Tại các khu vực như nhà ga, sân bay, taxi truyền thống phải đấu thầu mới được vào đón trả khách thì Uber, Grab tự do ra vào không bị kiểm soát.

Trong giờ cao điểm nhiều tuyến đường cấm taxi thì Uber, Grab vẫn tự do đi vào nên khách hàng thích chọn Uber, Grab hơn.

{keywords}
Uber, Grab đang kinh doanh thiếu bình đẳng với taxi truyền thống

Trong việc tính thuế, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch hiệp hội taxi TP.HCM cho hay cách tính thuế Grab, Uber (3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng) là thấp so với thuế mà xe taxi truyền thống chịu (10% thuế giá trị gia tăng, 20% thu nhập DN). Điều này không chỉ thiếu công bằng mà còn gây thất thu thuế.

“Năm 2016 chỉ tính riêng các DN taxi tại TP.HCM đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng thuế phí. Trong khi tổng số phương tiện hoạt động của Uber, Grab cao hơn rất nhiều so với taxi truyền thống nhưng với cách tính dành cho Grab, Uber Nhà nước thu được bao nhiêu tiền?”, ông Hỷ băn khoăn.

Cũng theo ông Hỷ, để có thể quản lý được Grab, Uber, Nhà nước nên khống chế số lượng xe hợp đồng, phân biệt giữa xe kinh doanh với xe của cá nhân hộ gia đình, nhất là với xe dưới 9 chỗ ngồi.

Chủ tịch hiệp hội taxi HN Đỗ Quốc Bình kiến nghị, xe Uber, Grab phải được quản lý với các điều kiện hoạt động như taxi truyền thống, không thể phát triển tràn lan. Nếu thấy không quản lý được thì nên dừng đề án thí điểm để đánh giá ảnh hưởng của loại hình vận tải này đến quản lý thuế, môi trường và ùn tắc giao thông.

Lỗi ở cơ chế?

Liên quan đến câu hỏi với cách quản lý Uber và Grab như hiện nay liệu Nhà nước có thất thu thuế, đại diện Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) cho biết: Mô hình Grab, Uber là liên doanh liên kết, chia sẻ doanh thu. Doanh thu của ai người đó có trách nhiệm nộp thuế, doanh nghiệp nộp thuế pháp nhân, cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách thuế cũng cho biết, nếu quản lý được số km xe, đầu xe thì có thể thu thuế của lái xe kinh doanh với Uber.

“Thuế ấn định theo giá trị gia tăng của ngành nghề chứ không phải vì được mức thuế thấp mà họ được lợi nhuận nhiều hơn”, đại diện này giải thích.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, thuế và phí với taxi truyền thống bất bình đẳng là do cơ chế chứ không phải do Uber, Grab nên cần đổi mới về cơ chế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng, qua thực tế Uber và Grab hoạt động tại VN cho thấy chi phí quản lý của doanh nghiệp taxi quá đắt đỏ. Do vậy các đơn vị vận tải taxi truyền thông cần phải thay đổi về cách quản lý.

Theo ông Tuấn, Nhà nước cần nghiên cứu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Ít quốc gia đưa ra quyết định cấm, ứng xử với mô hình kinh doanh mới mà người dân được hưởng lợi. DN vận tải cần phải thay đổi để thích nghi, hội nhập với quốc tế.

Đại diện Vụ Vận tải và Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho rằng, để taxi truyền thống cạnh tranh bình đẳng với Uber, Grab thì việc cần làm hiện nay là phải xác định rõ loại hình kinh doanh taxi phi truyền thống trong việc sửa đổi Nghị định 86.

Kinh nghiệm tại một số quốc gia cho thấy họ cấp biển riêng cho xe kinh doanh vận tải nhằm tách bạch sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải.

Ngoài ra cần bổ sung phương tiện vận tải hợp đồng phải có sơn, logo trên thành xe, công khai giá cước cho dễ phân biệt.

Vũ Điệp