Gửi bài đến diễn đàn "Tranh cãi phạt vượt đèn vàng", bạn đọc Trần Công Danh (TP.HCM) viết: Đã ngót nửa tháng, kể từ khi câu chuyện đèn vàng lên ngôi - tôi vẫn còn cảm giác sợ sợ, mỗi khi gặp đèn vàng.

Sợ nhất là lúc vừa đến vạch dừng đèn xanh ngấp nghé giây cuối cùng và chuyển sang đèn vàng. Tôi dừng xe mà cứ hi vọng là không có một người nào đó đâm phập vào đuôi xe mình, hay vừa ào qua vừa ngoái nhìn mình với ánh mắt hằn học.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

Tôi có xem một phóng sự trên HTV về vấn đề này, nhà đài có viện dẫn so sánh với quy định đội mũ bảo hiểm trước đây, rằng mỗi khi có sự thay đổi thời gian đầu người dân đều có những phản ứng vì thay đổi thói quen. Nhưng thói quen tốt (như đội mũ bảo hiểm để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông) thì nên khuyến khích và bằng cách nào đó (cấm, phạt…) xây dựng cho người tham gia giao thông.

Nếu xây dựng tương tự với đèn vàng thì thay vào đó hãy khuyến khích người dân đi chậm lại tại các giao lộ, sẽ xử phạt nghiêm minh những hành vi cố tình phóng ga vượt đèn vàng; chứ không phải cấm tiệt.

Phóng sự cũng viện dẫn về việc ở Úc cũng cấm vượt đèn vàng, nhưng rõ ràng họ có xác định rõ trạng thái vượt, nếu trường hợp gây nguy hiểm cho người tham tham gia giao thông.

Tại sao người Việt hay vượt đèn vàng?

Đi qua một số nước trên thế giới, tôi chẳng thấy ở đâu người ta phải băn khoăn với tín hiệu đèn. Vì vốn dĩ tính chất giáo dục và tuân thủ ở những nơi đó rất rõ ràng; được trang bị cho công dân đầy đủ và chi tiết ngay từ khi còn nhỏ.

Còn ở Việt Nam, bao lâu nay có ai biết anh đèn Vàng ấy là chi? Biết ý nghĩa, hiệu lực anh ấy thế nào đâu? Mọi người chỉ biết có anh Đỏ, anh Xanh thôi.

Có người biết nhưng cũng đổ lỗi cho cuộc sống bộn bề, hối hả thôi anh thông cảm; đáng lý ra chạy chậm những thôi tôi cứ chạy nhanh “cho kịp”. Hãy nhìn những ngã tư giao lộ, mỗi khi có tín hiệu chuyển đèn thì hàng loạt người vọt ga mong sao vượt qua cho kịp để tránh bị dừng vài giây…

Những ngày đầu trở lại làm quen với giao thông tại Việt Nam, tôi rất bực bội vì cứ phải nghe những tiếng còi inh ỏi thúc sau xe vì đèn vừa chuyển sang xanh, hay khi có ai đó “cố tình” muốn quẹo phải. Tôi cứ thầm nghĩ trong lòng, nếu tất cả chúng ta đều trân quý và sử dụng hiệu quả từng giây ấy thì đất nước này sẽ thay đổi, sẽ phát triển ra sao. 

Nhưng không. Đó chỉ là tư duy “chợp giựt”, “ào ào” một cách vô tổ chức. Ai cũng muốn nhanh muốn lẹ nhưng chẳng biết để làm gì. Phải chăng đó là một phần ý thức rơi rớt lại từ thời bao cấp? Cái thời mà phải nhanh chân chiếm chỗ để được đổi tem phiếu. Bây giờ cái ý thức “lẹ làng” ấy lan sang cả giao thông, trật tự bị đổ vỡ.

Giáo dục ý thức giao thông là gốc rễ

Thực tế không cần phải đến nghị định 46, mới xuất hiện yêu cầu tuân thủ tín hiệu đèn; các quy định về tín hiệu đèn đều đã có trước đó. 

Cốt lõi là xây dựng, tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông của người dân; cấm, phạt rồi cũng đâu vào đấy thì cũng như một căn bệnh nan y vốn đã lờn thuốc.

Thiết nghĩ, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng nên chú ý trong vấn đề giáo dục, tuyên truyền tính tuân thủ như các nước tiên tiến khác, chứ không cứ việc gì cũng “cấm đoán” để làm cho câu chuyện tuân thủ pháp luật trở nên nặng nề.

Trao đổi với Dân trí, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, về nguyên tắc đèn vàng phải giảm tốc độ, nhưng thói quen của người dân không chỉ vượt đèn đỏ mà đèn vàng cũng tăng tốc nên gây xung đột và dễ dẫn tới tai nạn. Những người xây dựng Nghị định 46 đã căn cứ theo chiều hướng tâm lý đó để quy định như vậy.

"Tôi cho rằng cứ áp dụng quy định này một thời gian, nếu thấy bất cập thì Bộ Công an có thể đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp" - Thiếu tướng Quân cho biết. Nếu giao Bộ Công an thì chúng tôi sẽ làm kỹ hơn ở những quy định như thế này.

Riêng việc xử phạt đối với lỗi vượt đèn vàng thì trước đây cũng có quy định rồi nhưng lần này gây tranh cãi ở chỗ nâng mức phạt vượt đèn vàng bằng với vượt đèn đỏ.

Về nguyên tắc theo luật, khi nhìn thấy đèn vàng thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, dừng trước vạch. Trường hợp đã qua vạch mà đèn vàng thì tiếp tục đi tiếp qua ngã tư, không ai cấm. Nếu đánh đồng chỗ đó mà bảo bỏ đèn vàng để tránh chuyện húc đít nhau là không đúng. Có người bảo cứ đèn vàng phải dừng là hiểu chưa đúng.

Trần Công Danh