Hàng trăm độc giả đã gửi ý kiến phản hồi về bài viết của TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức (trường ĐH Việt Đức) phân tích những lý do người dân nên bật đèn xe máy ban ngày.

Ban đọc tên Hưng nhìn nhận: “Tai nạn giao thông phần lớn là do ý thức lái xe của con người chứ không phải tại cái đèn. Không thể thấy 'đèn nhận diện' vào ban ngày nếu không nhìn trực diện vào cái đèn đó".

{keywords}
Việt Nam nắng chói chang có cần bật đèn vào ban ngày để nhận diện?

Cùng quan điểm, bạn đọc tên Thạnh nhìn nhận: “Ban ngày tôi không thấy được các vệt đèn. Quy định bật đèn ban ngày sẽ thêm lỗi sai phạm, khiến người đi đường bị phạt. Xe máy ở Việt Nam không tự động mở đèn, người dùng thường hay quên”.

Ngoài việc cho rằng bật đèn vào ban ngày không có tác dụng, bạn Nguyễn Thùy Dương còn lo lắng việc này có thể gây ô nhiễm ánh sáng, gây ra tai nạn cho người đi xe máy ngược chiều.

Linh Nguyễn chung nhận định: “Một xe bật thì nhận diện được, nhưng nhiều xe đông đúc như Sài Gòn thử cùng bật thì sao nhỉ? Chắc chắn sẽ loá mắt người đối diện”.

Bạn đọc cho rằng cần thực nghiệm để có đánh giá một cách khoa học. “Bản thân tôi thấy một số tình huống giao thông, việc bật đèn xe là không tác dụng khi trời nắng hoặc sáng rõ. Riêng các trường hợp vượt xe thì đương nhiên người vượt phải có tín hiệu xin vượt rồi, trong luật đã nêu rõ”.

Ở một góc độ khác, việc hàng triệu xe cùng bật đèn được cho rằng tiêu tốn năng lượng.

“Mỗi năm, cả thế giới phát động phong trào tắt điện, trong khi chúng ta lại hô nhau cùng bật đèn xe vào ban ngày. Ở Hà Nội, nếu 2 triệu xe máy cùng lúc sử dụng đèn nhận diện ban ngày công nghệ LED trong 45 phút thì mức năng lượng tiêu thụ ước tính khoảng 9.000 KWh, tương đương 0,01% lượng điện tiêu thụ một ngày của cả thành phố. Con số này không hề nhỏ”, bạn đọc Ngô Đồng phân tích.

'Tôi bật đèn chẳng ảnh hưởng tới ai'

Tuy nhiên, cũng không ít độc giả ủng hộ việc quy định bật đèn xe vào ban ngày. “Đã có nghiên cứu khoa học thì cứ làm. Đừng nghe bàn tán làm gì”, bạn Tường nói.

Còn bạn tên Chính cũng nêu thực tế: “Không phải một lần mà khá nhiều lần tôi thót tim vì những hố đen trên đường giữa ban ngày. Ánh sáng là thứ tốt nhất để ta phát hiện chướng ngại vật trên đường. Tôi từng kiến nghị phạt thật nặng trường hợp không bật đèn xe khi đèn đường bật”.

Đồng quan điểm trên, bạn đọc tên Phong bày tỏ: “Đọc các bình luận thấy chán quá, toàn phản đối mà chẳng suy xét kỹ, phải xem trái phải như thế nào. Các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan đưa vào áp dụng cả thập kỷ rồi mà chưa bỏ, chứng tỏ nó có lợi ích. Nếu không giảm tai nạn nhiều thì chắc cũng được một vài %, sau đó tìm kiếm các biện pháp khác kéo giảm vài % nữa, từ từ sẽ giảm nhiều lên”. 

Bạn đọc tên Thành Nam cho hay, ở nước Đức và nhiều nước châu Âu quy định rằng các phương tiện xe máy dù phân khối lớn hay nhỏ khi tham gia giao thông bắt buộc phải bật đèn ngay cả ban ngày. Ai đó vô tình quên thì bị phạt. Điều này để các thành phần tham gia giao thông nhận biết mình tốt hơn, qua đó giảm thiểu tai nạn .

“Ở Đức, ngày mùa hè dài hơn ở nước ta nhiều, những ngày cao điểm nắng cũng chói chang và gắt. Nếu ở ta cũng làm như vậy chẳng buồn cười tí nào. Theo tôi là nên làm. Dĩ nhiên ý thức người điều khiển phương tiện giao thông là quan trọng nhất”, bạn Thành Nam nói. 

Một bạn đọc khác tên Trần quả quyết: “Bấy lâu nay, tôi vẫn bật đèn dù đi ban ngày. Điều đó có ảnh hưởng gì tới người đâu. Mà đi qua, người ta cứ nhắc "tắt đèn, em kìa"!? Sợ tốn điện? Tôi để đèn là có mục đích tăng nhận diện. Cá nhân tôi ủng hộ bật đèn ban ngày”.

Cũng có ý kiến cho rằng, thay vì bắt người dân phải bật đèn, thì nên quy định bắt buộc DN lắp ráp, sản xuất xe máy phải tích hợp cảm biến nhận diện, lúc nào ánh sáng không đủ tiêu chuẩn quan sát thì tự động bật.

Nhìn những hình ảnh này sẽ hiểu vì sao phải bật đèn xe máy ban ngày

Nhìn những hình ảnh này sẽ hiểu vì sao phải bật đèn xe máy ban ngày

Nhiều vụ tai nạn thảm khốc do xe khách, xe tải gây ra vì xe máy có kích thước nhỏ khiến tài xế không phát hiện kịp. Vì vậy, việc trang bị đèn nhận diện ban ngày là cần thiết.

Bảo Ngọc