- Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vừa đề xuất Bộ GTVT phương án sửa chữa QL5 với tổng kinh phí lên tới 2.040 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017-2021.

Do tuyến đường đã được khai thác 18 năm, lưu lượng giao thông lớn, trong đó, chủ yếu là các phương tiện vận tài hàng hóa có tải trọng lớn nên đã ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường, cầu và công trình phụ trợ.

{keywords}

Sửa chữa tổng thể QL5 cần hơn 2000 tỷ đồng

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, QL5 đã đến thời hạn phải thực hiện đại tu tổng thể tuyến đường, VIDIFI đề xuất phương án sửa chữa QL5 bao gồm 2 đợt.

Đợt 1 sẽ tập trung sửa chữa một phần mặt đường (khoảng 30km), một phần cầu và các hạng mục an toàn giao thông như hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước… thuộc từ km11+135-km76+000 với kinh phí 840 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017-2018.

Đợt 2 thực hiện sửa chữa phần còn lại của đoạn tuyến km11+13-km76+000 và các đoạn tuyến còn lại của QL5 sửa chữa mặt đường (khoảng 60km còn lại), tiếp tục sửa chữa nâng cấp các hạng mục phụ trợ (hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước...) với chi phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019-2021.

Riêng với sửa chữa đợt 1 dự toán kinh phí khoảng 840 tỷ đồng, ngoài khoản 240 tỷ đồng đã có từ chi phí cho công tác trùng tu QL5 vào năm 2020, VIDIFI đề nghị Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung 600 tỷ đồng vào khoản chi của phương án tài chính cập nhật dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong 2 năm 2017-2018 (năm 2017 là 350 tỷ đồng, năm 2018 là 250 tỷ đồng).

Trường hợp phương án tài chính của dự án tại thời điểm 2018 khả thi, VIDIFI đề nghị Bộ GTVT và các bộ ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung kinh phí sửa chữa vào phương án tài chính của dự án.

Trường hợp phương án tài chính tại thời điểm năm 2018 không cân đối được hoặc chỉ cân đối được một phần, phần kinh phí còn thiếu đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Vũ Điệp