Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có tờ trình số 73 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo hình thức PPP.

{keywords}
Tai nạn giao thông trở thành vấn nạn trên tuyến Quốc lộ 9 nối TP Đông Hà với cửa khẩu Lao Bảo.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận bổ sung vào Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP (đối tác công - tư)

Dự kiến, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài khoảng 70km, tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, với tổng mức đầu tư dự kiến là 7.700 tỷ đồng.

Trong đó, vốn nhà nước từ ngân sách Trung ương theo tính toán sơ bộ dưới 50% tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn 19 năm.

Theo ông Lê Đức Tiến, hiện các trục giao thông dọc của quốc gia như Quốc lộ 1 đã hoàn thành đầu tư nâng cấp với quy mô 4 làn xe. Hệ thống đường bộ cao tốc phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đưa vào khai thác, và đến năm 2025, hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

“Toàn bộ khu vực miền Trung hiện không có hệ thống đường bộ cao tốc kết nối theo hướng Đông - Tây. Đây được xem là trục vận tải hàng hóa lớn kết nối các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây và kết nối các đại dương (Ấn Độ dương và Thái Bình dương) cũng như hàng hóa của các nước trong khối ASEAN trên trục này, tìm đường ra biển Đông để thâm nhập vào thị trường các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... mà không phải đi qua eo biển Malacca”, ông Tiến cho biết.

Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo là cấp thiết

Theo ông Lê Đức Tiến, Quảng Trị nằm ở điểm đầu hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam, là cầu nối thuận lợi trong liên kết hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế qua các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay.

{keywords}
Trong đợt mưa lũ năm 2020, huyện miền núi Hướng Hóa nhiều lần bị chia cắt do tuyến Quốc lộ 9 bị sạt lở nghiêm trọng.

Đồng thời, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây là con đường ngắn nhất nối hai đại dương (Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương) và cũng là con đường ngắn nhất kết nối 2 thị trường lớn (Trung Quốc và Ấn Độ) chiếm đến gần một nửa dân số thế giới...

Do đó, dự báo trong giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030, các chỉ số hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, hàng quá cảnh sẽ tăng cao.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện chỉ có tuyến Quốc lộ 9 với chiều dài 83km kết nối TP Đông Hà và cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tuyến đường được nâng cấp vào năm 2006, quy mô đường cấp III, 2 làn xe.

Thời gian qua, mật độ phương tiện trên Quốc lộ 9 tăng cao, đặc biệt các xe container vận chuyển hàng hóa sang Lào và ngược lại.

Năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay vẫn tăng (đạt 379 triệu USD).

Chưa kể, Quốc lộ 9 đoạn từ Cam Lộ đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là tuyến đường độc đạo kết nối trung tâm TP Đông Hà với các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay.

Năm 2020, khi thiên tai, bão lũ xảy ra, Quốc lộ 9 đi qua khu vực huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa bị sạt mái ta luy dương và xói lở ta luy âm; nhiều cầu, cống bị ngập nước gây chia cắt, cô lập và ách tắc giao thông khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị.

“Do đó, UBND tỉnh cho rằng việc nghiên cứu đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 -2030 là rất cần thiết, cấp thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh; đồng thời, kết nối các trục dọc quốc gia với cửa khẩu quốc tế và cảng biển khu vực. Đặc biệt là phá vỡ thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 9 để phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ khi xảy ra thiên tai, bão lũ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ.

Quang Thành

'Cơ chế đặc thù' gỡ khó khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam

'Cơ chế đặc thù' gỡ khó khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông.