Tại Hội nghị Tổng kết Bộ GTVT sáng nay (24/12), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, các dự án công trình giao thông mới, đặc biệt là các dự án đầu tư công và PPP (đối tác công tư)  giai đoạn 2012 -2020 so với yêu cầu không đạt mục tiêu đề ra. 

“Mục tiêu chiến lược phát triển kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ đến 2020 phải đưa vào khai thác 2.000 km đường cao tốc, thế nhưng nhiệm vụ này phải sang cuối 2021 đầu 2022 mới cơ bản xong”, Phó Thủ tướng nêu thực tế.

{keywords}
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết Bộ GTVT.

Ông Dũng cũng nói rõ, thời gian qua, ngành giao thông mới chỉ làm được các dự án giao thông chứ chưa huy động được các nguồn lực xã hội. Các dự án BOT trước đây làm theo phong trào và bây giờ kêu gọi rất khó khăn.

“Các dự án BOT giao thông trước đây có chỗ cần làm thì không làm và chỗ không cần làm thì lại làm. Thực tế này dẫn đến tình trạng dự án làm xong khi đưa vào khai thác không thu được phí, hoặc dự án làm xong phương tiện không đi vào…

Do vậy, trong kế hoạch đầu tư phải xác định rõ nơi nào cần thiết đầu tư BOT, nơi nào không. Cần khắc phục tình trạng đầu tư BOT những nơi không cần thiết”, ông Dũng nói.

Tháo gỡ cơ chế để kêu gọi BOT

Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay việc bố trí nguồn lực cho giao thông còn rất hạn chế. Bộ GTVT đề nghị 700 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 nhưng thực tế chỉ cân đối được 230 nghìn tỷ, trong đó có 150 nghìn tỷ là chuyển nguồn từ giai đoạn này sang giai đoạn sau. 

Điển hình như việc phát triển hệ thống đường cao tốc theo chiến lược 10 năm tới phải có thêm 3.000 km để đến 2030 cả nước có 5.000 km đường cao tốc. 

Với 3.000 km cao tốc tính theo giá thành hiện nay cần tới 600 nghìn tỷ đồng. Trong 5 năm tới Nhà nước cần gần 300 ngàn tỷ cho phát triển đường cao tốc theo kế hoạch. Nhà nước chỉ đầu tư một nửa, còn lại phải kêu gọi đầu tư PPP.

Ông cũng nói rõ, Chính phủ rất quyết liệt trong huy động nguồn lực phát triển giao thông nhất là huy động BOT để phát triển đường cao tốc, nhưng vừa rồi kêu gọi rất khó khăn.

{keywords}
Việc kêu gọi đầu tư BOT giao thông hiện nay đang gặp khó khăn do cơ chế có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và nhà cung cấp tín dụng.

Việc kêu gọi BOT khó khăn có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phải hoàn thiện pháp luật, nhất là luật PPP để tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để nhà đầu tư tham gia vào các dự án BOT thì dự án phải đảm bảo tính hiệu quả. Có như vậy, các ngân hàng mới cùng nhà đầu tư tham gia dự án.

“Nếu không kêu gọi được BOT thì chúng ta không thực hiện được mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Nhà nước  đầu tư một nửa, phần còn lại phải kêu gọi đầu tư bên ngoài”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đồng loạt khởi công các dự án giao thông trọng  điểm

Đồng loạt khởi công các dự án giao thông trọng điểm

Năm 2020 các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành được khởi công, xây dựng tạo động lực to lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

Vũ Điệp