Chủ trương cấm xe máy của Hà Nội vào năm 2030 được nhiều người đồng tình ủng hộ vì "tắc đường ngán ngẩm lắm rồi". Nhưng cũng rất nhiều người phản đối vì cho rằng phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bạn Thu băn khoăn: "Nhà tôi ở cuối đường Bùi Xương Trạch cách đường tàu điện và ô tô buýt hơn 2,5km, vậy đi bằng gì ra để leo lên xe buýt và tàu điện?".

Hay bạn X. Phương cũng chỉ ra, đường vành đai 3 trên cao không có xe máy chạy mà vẫn tắc, vậy lỗi tại phương tiện nào?

Ý kiến về việc Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng đã nghiên cứu ở Trung Quốc, bạn Nam Nguyễn cho rằng, so sánh HN với Bắc Kinh và Thượng Hải của TQ là một sự so sánh khập khiễng. Ở TQ phương tiện vận tải công cộng đã hình thành từ lâu và đường sá rộng, thông thoáng. Còn ở bên ta thì ngược lại cho nên cần có giải pháp căn cơ.

{keywords}
Đường hầm Kim Liên hướng Xã Đàn, quận Đống Đa thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hải 

Bạn Đỗ Ngọc Vị lo lắng: "Giám đốc Sở GTVT bảo chịu khó dậy sớm mà đi bộ, tăng thời gian đi lại, thế thì cấm làm gì. Chưa cấm xe máy thì 7h đi làm tối 18h về tới nhà, cấm xong rồi 5h sáng dậy đi, 20h về tới nhà.

Khí hậu Việt Nam với mùa hè nắng nóng 38-40 độ cũng là một trở ngại lớn khi người dân đi bộ.

Lẽ ra phải cấm từ lâu 

Rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự ủng hộ việc cấm xe máy và đưa ra những giải pháp thiết thực.

Bạn NVHIEU thẳng thắn: "Đừng biện hộ cho cái nghèo. Đáng lẽ phải dẹp xe máy từ lâu rồi mới đúng. Bây giờ dù muộn vẫn còn hơn không. Tôi ủng hộ việc dẹp bỏ xe máy tại các TP lớn".

Bạn Tran Thanh nhìn nhận, xe máy hay luồn lách, chen lấn và là thành phần chủ yếu gây ùn tắc giao thông nên cấm xe máy là đương nhiên. Còn ô tô tất nhiên cũng sẽ không được khuyến khích, cần tăng giá dịch vụ trông giữ xe ô tô, phạt thật nặng xe ô tô đỗ không đúng quy định và không khuyến khích xây thêm các điểm trông giữ ô tô tại trung tâm TP.

Cũng ủng hộ việc cấm xe máy, bạn đọc nickname Nông Dân kiến nghị: "Đầu tiên phải giảm lượng xe máy bằng cách ngừng đăng ký mới, cấm xe quá hạn để giảm số lượng xe toàn diện; thay đổi tư duy của người dân, sau đó mới cấm đường. Chứ nếu cấm đường Nguyễn Trãi hay Lê Văn Lương thì những con phố "vệ tinh" sẽ tắc ứ ự".

Từ thực tế bản thân, bạn Hong chia sẻ: Thực ra không cần cấm mà chỉ cần phương tiện công cộng nhiều, hành khách không phải chờ quá lâu là dân đi ngay.

"Tôi ví dụ như hồi xưa về quê cách Hà Nội có 50km chủ yếu đi xe máy. Nhưng nay xe buýt và các ô tô khách có liên tục chỉ khoảng 10 phút/chuyến nên tôi gửi xe máy ở bến và đi ô tô về cho an toàn. Phải nói dân là người thông thái, họ sẽ quyết định đi phương tiện gì nếu có lợi về tiền bạc và thời gian mà không cần cấm", bạn Hong viết.

Bỏ xe máy để đi bộ cho khỏe

Về việc nhiều bạn đọc cho rằng cấm xe máy sẽ phải đi bộ xa, bạn Ngô Anh thẳng thắn: "Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, còn không ngồi nhìn! Nhật Bản họ cũng đi bộ nhiều, dân mình giờ lười biếng hơn, chịu khó thức khuya nhậu nhẹt, ăn chơi nhưng lại ngại dậy sớm, đi bộ đi làm".

{keywords}
Rất ít người Việt chịu đi bộ. Ảnh: Phạm Hải 

Bạn Nguyen Tuan cũng cho rằng, cấm xe máy càng nhanh càng tốt để người dân tăng cường sức khoẻ khi phải đi bộ hàng ngày.

Ủng hộ cấm xe máy, bạn Kaka viết: "Có phải cấm ngay bây giờ đâu, 10 năm sau chúng ta đã hoàn toàn khác rồi, điều kiện về cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng cũng khác. Chúng ta nên nhìn nhận và đánh giá dài hạn".

Bày tỏ sự đồng tình, bạn Thuyen Phan ý kiến: "Tôi rất đồng tình việc xây dựng lộ trình giảm dần phương tiện cá nhân cho đến khi cấm hẳn, không chỉ ở Hà Nội mà các thành phố khác. Tai nạn, bệnh tật vì ô nhiễm vì ô tô, xe máy đang làm suy giảm giống nòi Việt đã cho nên không thể chậm trễ hơn nữa".

Cốt lõi là quy hoạch

Dù ủng hộ hay phản đối thì nhiều bạn đọc đều đưa ra kiến nghị là cần làm tốt giao thông công cộng đã. Đồng thời, phải có chế tài phạt nặng để đưa người dân vào quy củ.

Bạn Vit viết: "Tôi đảm bảo kể cả phương tiện công cộng tốt mà nếu không có những chế tài cưỡng chế thì phương tiện cá nhân như xe máy vẫn phát triển, vì sao? Vì thói quen và văn hóa của người Việt.

{keywords}
Hà Nội tắc từ nhà ra ngõ cho đến đường lớn. Ảnh: Trần Thường

Ra chợ cách vài chục mét vẫn lên xe máy để đi, nếu không cưỡng chế làm sao tự nguyện từ bỏ những thói quen "tiện" cho cá nhân? Tôi mong các cấp lãnh đạo hãy mạnh dạn thực hiện những biện pháp rắn, để người dân có thói quen mới lành mạnh và tốt hơn. Trước đây bắt buộc đội mũ bảo hiểm dân chúng cũng phản đối ầm ầm, nhưng giờ thì đã thành thói quen tốt rồi đó".

Bạn đọc Đô Thị thẳng thắn chỉ ra: "Không cần bắt chước đâu cả. Qua hình ảnh và thực tế cho thấy, do để cho các loại phương tiện đi đan xen vào nhau nên tắc đường là đương nhiên. Để chấm dứt nên vạch ra phần đường cho từng loại phương tiện".

Nhiều bạn đọc bảo lưu ý kiến cũ nhưng được xem là giải pháp căn cơ nhất để giảm ùn tắc giao thông, đó là chuyển hết các trường đại học ra khỏi Hà Nội.

Bạn Hòa cho rằng, vấn đề cốt lõi là quy hoạch: Quá nhiều chung cư, trường học, cơ quan... ở trung tâm tạo mật độ dân cư lớn, không giải pháp nào có thể khắc phục được. Cần chuyển ngay các cơ sở này ra ngoài trung tâm HN 20-30km, phát triển đồng đều các thành phố phụ cận để người dân không còn muốn về HN kiếm sống nữa.

Hà Nội cấm xe máy: Giám đốc Sở quả quyết đã nghiên cứu ở Trung Quốc

Hà Nội cấm xe máy: Giám đốc Sở quả quyết đã nghiên cứu ở Trung Quốc

 Lộ trình cấm xe máy ở Bắc Kinh, Thượng Hải là 3-5 năm, với Hà Nội chúng tôi đặt ra lộ trình 12-13 năm - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nói.

Đ.Bảo (tổng hợp)