- Các vụ tai nạn thương tâm do xe buýt khiến nhiều người gọi xe buýt là "hung thần", nhưng những người sau vô lăng cũng có nhiều trăn trở.

Để cầm lái chiếc xe với hàng chục con người ngồi trên, chạy khắp đường phố Thủ đô thường xuyên tắc, lại chịu sức ép thời gian, các tài xế xe buýt cũng phải chịu không ít áp lực.

{keywords}
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm hồi cuối tháng 8/206 tại phố Hàng Khay khiến 1 người chết. Ảnh: Vương Lâm

Thường xuyên bị xe máy tạt đầu

Ông Hoàng Xuân Điệp, lái xe từ hơn 10 năm nay cho xí nghiệp Buýt Thăng Long cho biết, ông lái tuyến 02 từ Bác Cổ - bến xe Yên Nghĩa. Đây là một trong những tuyến đường có dự án đường sắt trên cao và lượng phương tiện lưu thông rất lớn. Do đó, lái xe trên tuyến này cũng phải chịu khá nhiều áp lực.

"Hiện tượng xe máy, ô tô tạt đầu xe ở khoảng cách quá gần diễn ra phổ biến. Thậm chí, có nhiều phương tiện đỗ ngay tại những điểm dừng trả khách gây cản trở, đặc biệt vào những giờ cao điểm" - ông Điệp chia sẻ.

Nhớ lại vụ tai nạn thương tâm tại bờ hồ Hoàn Kiếm hồi cuối tháng 8, ông Điệp tâm sự: "Người điều khiển xe buýt gây tai nạn là đồng nghiệp rất thân của tôi và có hơn 30 năm cầm lái. Hôm xảy ra tai nạn, xe chỉ chạy với tốc độ hơn 15km/h và trong 1 phút mất bình tĩnh, cộng với tình huống bị xe máy tạt đầu quá bất ngờ nên dẫn đến tai nạn không mong muốn".

Ông Điệp cũng kể câu chuyện của bản thân khi bị xe máy tạt đầu đột ngột: "Tôi đã phải phanh gấp khiến cả xe chao đảo, đáng buồn có một nữ hành khách bị gãy một ngón tay".

{keywords}
Ông Điệp trong một lần kiểm tra xe mỗi sáng trước khi xe lăn bánh đưa đón khách. Ảnh Vũ Điệp

Không bị áp lực tắc đường như trong nội đô, ông Nguyễn An Ninh (53 tuổi), từng có 30 năm lái xe, hiện đang làm việc tại xí nghiệp xe buýt Hà Nội, lái tuyến ngoại thành số 15 (bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ) lại gặp nguy hiểm rình rập kiểu khác.

Ông Ninh kể: "Có lần đang di chuyển xe vào điểm dừng đỗ đón trả khách, mặc dù đã xi nhan phải từ rất xa nhưng đột nhiên chiếc xe khách đi cùng chiều phóng với tốc độ rất nhanh rồi lao vào phần đuôi xe khiến 2 xe hư hỏng nặng, toàn bộ hành khách trên xe hoảng loạn".

Nhọc nhằn chuyện âm giờ - bù giờ

Ông Điệp cho biết: “Tuyến của tôi cứ bình quân chạy một vòng khoảng 70 phút. Tuy nhiên, có những đoạn đường tắc cộng với các phương tiện chắn lối ra vào điểm dừng đỗ khiến nhiều lúc xe phải “chôn chân” hơn 10 phút mới vào để đón trả khách”.

Thông thường, mỗi tài xế trên một tuyến sẽ có 15 phút để nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục vận hành chuyến mới. Nếu tắc đường thì có rất ít thời gian để nghỉ, thậm chí còn âm giờ và phải chạy bù với tốc độ nhanh hơn cho kịp tiến độ.

Chính vì phải chạy nhanh hơn để kịp giờ nên nhiều người ví xe buýt như những “hung thần” trên đường phố. Thế nhưng, các tài xế lại có lý giải cho những ví von này.

Ông Điệp cho biết: “Nhiều lúc thấy xe buýt chạy nhanh nên mọi người quy kết là hung thần, nhưng thực tế ở những đoạn đường không tắc thì xe buýt được lưu thông với vận tốc cho phép trong nội đô là 50km/h. Còn tắc đường thì có muốn phóng ẩu cũng chịu”.

Ông Lê Đức Thủy (44 tuổi, lái xe 23 năm), đang làm việc tại xí nghiệp xe buýt Hà Nội, lái tuyến 04 từ Long Biên - bến xe Nước Ngầm cũng chia sẻ về "biệt danh" này.

Theo ông Thủy, "hung thần xe buýt" là do sự hiểu biết của mỗi người không giống nhau.

"Khi xe đi vào điểm dừng đỗ, những người cùng chiều nghĩ rằng lái xe đang chèn ép họ nhưng thực ra, đường phố nhỏ và đông nên điều đó khó tránh khỏi" - lời ông Thủy.

{keywords}

Làm nghề lái xe không những đòi hỏi giỏi kĩ thuật mà còn cần kinh nghiệm và bản lĩnh trước những tình huống bất ngờ xảy đến - tài xế Lê Đức Thủy chia sẻ. Ảnh: Đoàn Bổng

Trước những luồng ý kiến cho rằng nguyên nhân các vụ tai nạn là do xe buýt phóng ẩu, ông Nguyễn An Ninh bày tỏ: “Ai cũng có một nghề và chắc chắn không ai mong muốn điều gì xấu sẽ xảy đến. Nghề lái xe buýt chịu áp lực rất lớn vì chở trên xe hàng chục sinh mạng, nên lái làm sao để hành khách và người đi đường an toàn luôn là mục đích mà chúng tôi hướng tới”.

Liên quan đến việc hành khách phản ánh về thái độ phục của tài xế và phụ xe buýt, ông Điệp cho biết, nhiều khi thông tin phản ánh không chính xác. Có trường hợp khách uống rượu say rồi lên xe gây náo loạn, khi được phụ xe nhắc nhở thì lớn tiếng quát tháo, thậm chí nhảy vào xô xát khiến cả xe hỗn loạn.

Nhiều trường hợp khác do quên điểm dừng đỗ, khách hàng yêu cầu lái xe mở cửa giữa chừng nhưng không được chấp nhận cũng dẫn đến to tiếng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc xí nghiệp xe buýt Hà Nội cho biết: "Quy trình tuyển chọn tài xế vô cùng khắt khe và đòi hỏi nhiều kĩ năng, từ kiểm tra xe trước khi lái đến khi điều khiển, giao tiếp với khách hàng, đón trả khách...".

Bên cạnh những nguyên nhân như áp lực của tắc đường, hiện tượng lạng lách của các phương tiện cùng chiều, ông Hùng cũng thừa nhận việc gây tai nạn một phần là do ý thức của lái xe. Chính vì vậy phía doanh nghiệp luôn có những đợt tập huấn về kĩ năng cho các tài xế trong việc xử lý các tình huống bất ngờ khi tham gia giao thông.

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện, ngẫm nghĩ về giao thông Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hiến kế, gợi ý để có thể cải thiện giao thông Hà Nội tốt hơn. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải.

Vũ Điệp - Đoàn Bổng