- Một số tuyến đường được phân làn ở Hà Nội, nhưng tình trạng đi lại vẫn rất hỗn loạn. Đường phố Sài Gòn trật tự hơn.

Nhiều bạn đọc cho rằng, nếu tổ chức phân làn thì giao thông Hà Nội sẽ được cải thiện.

{keywords}

{keywords}

Dù được phân làn, nhưng các phương tiện lưu thông không màng đến, chạy lộn xộn vào bất cứ chỗ nào còn trống.

Ghi nhận của phóng viên tại các tuyến đường đã được phân làn như Kim Mã, Trần Khát Chân, Giải Phóng, Xã Đàn, vào giờ cao điểm, xe ô tô và xe máy chen chúc, lấn làn, gây tắc cục bộ, các phương tiện loay hoay không di chuyển được. 

XEM CLIP LẤN LÀN TẠI HÀ NỘI:

TẠI TP.HCM:

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng CSGT Hà Nội thừa nhận, việc ô tô, xe máy lấn làn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Thủ đô. Tình trạng này xuất phát từ ý thức tự giác chấp hành luật Giao thông đường bộ còn kém. Chế tài xử phạt đối với hành vi sai phần đường còn chưa cao.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, Phòng CSGT Hà Nội đã xử lý 6.189 trường hợp đi không đúng phần đường, làn đường, trong đó ô tô là 387 trường hợp.

Theo nghị định 171 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lỗi "đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định" bị xử phạt 800.000-1.200.000 đồng đối với ôtô; 200.000-400.000 đồng với xe máy.

Trước đó, để tránh ùn tắc và giảm TNGT, từ năm 2011, Hà Nội chi gần 24 tỷ để thí điểm phân làn trên 5 tuyến phố (Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Kim Mã, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng ). Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, hàng loạt dải phân cách bê tông đã được Sở GTVT cho dỡ bỏ.

Khi đó, Hà Nội cho rằng, bỏ dải phân cách cứng là "ý thức người tham gia giao thông đã tăng cao".

Tuy nhiên, chia sẻ trên VietNamNet, TS Nguyễn Xuân Thuỷ - chuyên gia giao thông thẳng thắn, việc phân làn tại các tuyến phố Hà Nội cho thấy hiệu quả không cao, tính khả thi thấp.

“Thực tế xe máy quá nhiều, khi không thấy lực lượng công an, thanh tra giao thông thì xe máy lấn sang làn ô tô thường xuyên. Do vậy, bỏ phân làn đi là hợp lý và đây có thể xem là thất bại của Hà Nội...”, lời ông Thủy.

Ông Thủy cũng nói rõ, phân làn chỉ có tác dụng với người có ý thức chấp hành tham gia giao thông tốt, còn những người vội vàng và ngoại tỉnh vẫn đi vào làn trong của ô tô do thoáng hơn.

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, phân làn bằng các dải phân cách mềm hiệu quả hơn mà không tốn kém.

Giao thông TP.HCM 'dễ thở' hơn Hà Nội?

Tại TP.HCM, do việc phân luồng giao thông hợp lý, rõ ràng cộng thêm ý thức người dân tốt hơn, đặc biệt với ô tô, nên giao thông có vẻ dễ thở hơn Hà Nội.

{keywords}
Đường Cộng Hòa giờ cao điểm

Đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) là trục đường hướng tâm, kết nối khu trung tâm TP với sân bay Tân Sơn Nhất và cửa ngõ Tây Bắc với 3 làn xe mỗi chiều đường (2 làn cho ô tô, 1 làn xe máy).

Hàng ngày, vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra cảnh giao thông đông đúc, song ô tô vẫn di chuyển theo đúng phần đường của mình.

Tương tự, hàng ngày áp lực giao thông kéo dài 4km trên đường Cộng Hòa (4 làn xe/chiều). Nhưng khi xe máy chạy lộn xộn để vượt ùn tắc thì ô tô vẫn luôn tuân thủ quy định.

Một số tuyến đường có dải phân cách cứng, vào giờ cao điểm luôn linh hoạt cho xe máy đi vào làn trong cùng của phía ô tô để giảm tải.

Giải pháp cho Hà Nội

Tại các đoạn đường đã có nhiều điểm đen do va chạm giữa xe ô tô (đặc biệt là xe tải) và xe máy như đường Phạm Văn Đồng, có thể áp dụng ngay dải phân cách cứng, phân tách giữa dòng ô tô và xe máy/xe thô sơ.

Tại khu vực nội đô, nơi dòng giao thông dày đặc hơn nhưng lưu thông ở tốc độ khá chậm (phố Huế/Hàng Bài/Bà Triệu), có thể dùng sơn kẻ ngay trên mặt đường, biển báo.

Tại các đường phố chính có mặt cắt ngang lớn, tốc độ lưu thông của ô tô và xe máy khá cao 35-45 km/h hoặc hơn (Trần Khát Chân/Xã Đàn), nên giữ các dải phân cách cứng và áp dụng tiêu chuẩn thiết kế của thế giới để tránh tình trạng phương tiện va chạm trực diện vào biển báo/dải phân cách. Nếu tốc độ của ô tô thấp hơn mức trên, có thể dùng phân cách mềm.

Tại những đường quốc lộ trục chính vào thành phố (QL32, QL5, Giải Phóng): Cần nhanh chóng áp dụng phân làn cưỡng chế, tách dòng xe máy và phi cơ giới ra khỏi dòng xe ô tô.

Trên xa lộ Hà Nội, cửa ngõ vào TP.HCM, giải pháp phân làn cưỡng chế đã góp phần đáng kể giảm tai nạn giao thông. Đây là bài học thành công cần được nhân rộng trên cả nước.

TS Trần Hữu Minh

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện, ngẫm nghĩ về giao thông Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hiến kế, gợi ý để có thể cải thiện giao thông Hà Nội tốt hơn. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải.

Diệu Bình - Đức Yên - Như Sỹ - B.Anh