- Quy hoạch giao thông thiếu khớp nối, thậm chí còn đi sau quy hoạch xây dựng. Chưa kể, quy hoạch lại hay bị điều chỉnh, đường càng mở rộng thì càng tắc, giao thông càng hỗn loạn.

Đây là đánh giá được đưa ra Tại Hội thảo quốc tế về giao thông công cộng hướng tới phát triển đô thị xanh bền vững, diễn ra ngày 21/10.

{keywords} 

Xe máy tràn đô thị

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quy hoạch hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) mang tính bị động, đi theo sự phát triển của đô thị và hạ tầng giao thông.

Cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt còn thiếu về quy mô, yếu về chất lượng; vỉa hè, phần đường dành cho đi bộ thiếu, không liên tục, thường xuyên bị chiếm dụng.

Theo ông Hùng, giá 1 chiếc xe máy mới chỉ bằng 2-3 tháng lương, trong khi thu nhập của người dân liên tục tăng thì chính sách vé giá rẻ đồng hạng không còn hấp dẫn được người tham gia giao thông, ngoại trừ sinh viên và người nghèo. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trong thời gian qua nhận định, các đô thị lớn Việt Nam là đô thị có mức độ phụ thuộc xe máy.

“Các đô thị phụ thuộc xe máy sẽ trở thành một thảm họa giao thông đô thị. Còn nếu hướng tới mô hình đô thị phụ thuộc ôtô thì phải mở rộng diện tích xây dựng đô thị và diện tích đất dành cho đường bộ. Nhưng liệu các đô thị Việt Nam có đủ nguồn lực để phát triển?” ông Hùng nói rõ.

Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cảnh báo, nếu thiếu các giải pháp toàn diện và quyết liệt, hệ thống GTVT của các đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục lún sâu vào sự phụ thuộc phương tiện cơ giới cá nhân. Trong khi chất lượng VTHKCC ngày càng suy giảm, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường càng trầm trọng.

Quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn

Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có 779 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,3%. Dự báo đến năm 2020, có 870 đô thị và 1.000 đô thị vào năm 2025. Khu vực đô thị hàng năm đóng góp 70-75%GDP của cả nước.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, sự tăng nhanh về số lượng đô thị và dân số chưa tương xứng với chất lượng đô thị. Nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị từ loại 3 trở lên đang đối mặt với những vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước, thiếu không gian xanh, các dịch vụ cơ bản của đô thị... Đặc biệt, tình hình ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra mà chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

Ông Phạm Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam thừa nhận, có lẽ không có đô thị nào ở nước ta lại có nhiều lần lập và điều chỉnh quy hoạch như Hà Nội. Thế nhưng, hệ thống đường giao thông đô thị phát triển để phù hợp với quá trình đô thị hóa và mở rộng của thủ đô lại không hề tương xứng với hệ thống phương tiện giao thông công cộng.

“Quy hoạch giao thông thiếu khớp nối và thậm chí còn đi sau quy hoạch xây dựng. Chưa kể, quy hoạch lại hay bị điều chỉnh, đường càng mở rộng thì càng tắc, giao thông càng hỗn loạn”, ông Tùng nói.

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan Nhà nước và chuyên gia giao thông đều cho rằng, để hướng tới một mô hình đô thị VTHKCC hiện đại, các đô thị Việt Nam cần xác định rõ định hướng phát triển chung cũng như có những giải pháp cụ thể để chuẩn hóa mạng lưới tuyến (phân cấp trong đô thị kết nối với vùng đô thị); nâng cao chất lượng phương tiện; khả năng tiếp cận dịch vụ (vỉa hè đi bộ, bãi đỗ xe cá nhân, trạm đón trả khách...) và thị trường cho vận tải công cộng (giảm trợ giá, tăng mức phí đỗ xe cá nhân, thu phí sử dụng đường).

Vũ Điệp