- Chuyên gia lo ngại nếu đề xuất đường 2 chiều thành đường 1 chiều ở Sài Gòn được thực hiện sẽ gây thiệt hại về kinh tế, không giải quyết triệt để vấn nạn kẹt xe.

Lo nhiều hơn vui...

Mới đây, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đơn vị có đề xuất một tuyến đường như: Cộng Hòa, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch, Trần Quốc Thảo, Phan Văn Trị...thành đường một chiều.

Theo Sở này, phần lớn các tuyến đường đề xuất lưu thông một chiều trên có lượng xe đông, thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm, nguy cơ xảy ra ách tắc giao thông bất cứ lúc nào nếu có va quẹt, xe chết máy…Do đó, đề xuất việc tổ chức lưu thông 1 chiều tại các tuyến đường này nhằm làm giảm giao cắt, tăng khả năng thông hành của tuyến đường so với việc tổ chức lưu thông 2 chiều (trên cùng mặt cắt ngang đường).

{keywords}
Kẹt xe trên đường Trường Chinh (Ảnh: Đinh Tuấn)

Anh Trần Văn Nam (ngụ quận 12, TPHCM) cho biết, hằng ngày thường xuyên đi lại trên tuyến đường Cộng Hòa và chứng kiến tuyến đường này xảy ra tình trạng kẹt xe trầm trọng. Mỗi lần kẹt xe, anh Nam và mọi người dân rất mệt mỏi, bức xúc...chỉ mong TP sớm đưa ra các giải pháp cải thiện.

"Tôi nghe thông tin Sở GTVT đề xuất tổ chức lưu thông tuyến đường Cộng Hòa thành một chiều. Tôi thấy đề xuất này khá hay, có thể giải quyết được bài toán kẹt xe trên tuyến đường này vào giờ cao điểm. Khi đó, xe cộ chạy thành một chiều, không xảy ra cảnh đối đầu, chen chúc qua các giao lộ nên không gây cản trở giao thông. Do đó, tôi nghĩ sẽ giảm được tình trạng ùn tắc”- anh Nam chia sẻ quan điểm.

{keywords}
Tuyến đường Cộng Hòa thường xuyên xảy ra ùn tắc. Theo người dân nếu đường này được tổ chức thành đường 1 chiều sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe, tuy nhiên lại gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh buôn bán hai bên đường (Ảnh: Đinh Tuấn)

Trong khi đó, hầu hết các hộ dân sống trên đường Cộng Hòa tỏ ra lo lắng và cho biết, nếu tuyến đường Cộng Hòa với 6 làn xe biến thành đường một chiều sẽ gây bất lợi đến việc kinh doanh, buôn bán. Đường Cộng Hòa thành một chiều sẽ giải quyết phần nào tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, ngoài giờ cao điểm sẽ gây bất lợi cho người dân đi lại khi phải chạy lòng vòng, mất thời gian khi quãng đường di chuyển xa hơn.

“Hiện hai bên đường là hàng nghìn hộ dân kinh doanh buôn bán. Nếu đường này thành 1 chiều, đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh buôn bán của 1 dãy bên tuyến đường sẽ ngưng trệ, gây thiệt hại cho kinh tế”- bà Bùi Thị Vân (kinh doanh thời trang bên đường Cộng Hòa) tỏ ra lo lắng và lý giải đường một chiều chỉ thích hợp tổ chức với các tuyến đường nhỏ, ít nhà dân, cửa hiệu kinh doanh hai bên đường.

Lợi giao thông, hại kinh tế 

TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông tại TPHCM cho biết: Khởi nguồn của việc tổ chức giao thông đường một chiều ban đầu thường dựa vào quy hoạch mạng lưới đường một chiều cho các khu vực trung tâm đô thị hoặc các khu dân cư ngoại thành mật độ cao. Tiếp đó, do sự phát triển hệ thống đường cao tốc trong đô thị cần có đường một chiều nối kết… 

Ưu điểm đường một chiều là giảm giao cắt, tăng lưu lượng và vận tốc xe chạy, tăng diện tích giao thông tĩnh. Nghĩa là có lợi về mặt giao thông. Khuyết điểm là tăng chiều dài chạy xe, tăng tai nạn, tăng chi phí giao thông công cộng, giảm phát triển thương mại dịch vụ, gây bất lợi về mặt kinh tế. 

Cũng vì lý do giảm sức sống đô thị, hiện nhiều TP trên thế giới đang có xu hướng chuyển đường một chiều trở lại hai chiều và đưa ra các hướng dẫn hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật hết sức nghiêm ngặt về đường một chiều. 

“Theo tôi, Sở GTVT cần có một nghiên cứu hệ thống, khoa học và chuyên nghiệp hơn. Nên khảo sát thực tế, mô phỏng giao thông và đánh giá tác động về kinh tế xã hội đầy đủ. Không nên nóng vội chọn các cặp đường một chiều quá đơn giản, không tuân thủ các nghuyên tắc kỹ thuật tối thiểu”- chuyên gia giao thông này khẳng định và cho biết nếu dễ dàng chuyển sang đường một chiều, TP đã làm từ hơn chục năm nay, vì giải pháp đường một chiều bao giờ cũng là giải pháp đơn giản dễ thực hiện, ít tốn kém trong các giải pháp tổ chức lại giao thông.

“Mới nhìn qua, giải pháp một chiều cho các trục đường Trường Chinh - Cộng Hòa - Hoàng văn Thụ hay cặp một chiều Phan Văn Trị - Lê Quang Định rất khó khả thi vì vi phạm các nguyên tắc cơ bản. Giải pháp một chiều chỉ hiệu quả bền vững khi hệ thống giao thông các khu vực và cửa ngõ TP chưa bão hòa trên cả mạng lưới"- TS Sanh thẳng thắn nhận xét 

Theo TS Phạm Sanh, với tình hình hiện nay, có lẽ giải pháp một chiều chỉ hiệu quả trên những trục đường một chiều trong một thời gian ngắn. 

{keywords}
Theo TS Phạm Sanh, Sở GTVT nên tổ chức thí điểm 1-2 cặp đường 1 chiều ở khu vực trung tâm như Lê Quý Đôn - Trần Quốc Thảo. Phạm Ngọc Thạch - Hai Bà Trưng, nếu thành công mới phát triển thêm nhiều cặp đường khác.

Qua đó, ông kiến nghị các đơn vị liên quan nên tính đến việc mở rộng đường (như đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh…), cải tạo mở rộng các nút giao thông, giải tỏa lấn chiếm lề đường, làm lại quy hoạch GTVT và cả quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, tổ chức giao thông thông minh…

Với hiện trạng hạ tầng và tổ chức giao thông hiện nay, chắc chắn có nhiều bất cập như thời gian chạy xe lòng vòng nhiều hơn, mua bán giảm, dễ tạo thói quen đi lại không đúng luật. Giải pháp khả thi nhất là nên nghiên cứu kỹ, làm thí điểm 1-2 cặp đường khu vực trung tâm TP như Lê Quý Đôn – Trần Quốc Thảo. Phạm Ngọc Thạch- Hai Bà Trưng, nếu thành công sẽ phát triển thêm nhiều cặp đường khác.

Tuấn Kiệt - Ảnh: Đinh Tuấn