GS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng, hiện nay thị trường hàng không Việt Nam đang cạnh tranh khá tốt. Khi có thêm các hãng hàng không tư nhân, thị phần hàng không trong nước có thay đổi lớn theo hướng cạnh tranh, có lợi cho hành khách đi máy bay.
 
Về việc Vietnam Airlines đề xuất Cục Hàng không, Bộ GTVT quy định mức giá sàn vé máy bay, ông Tống cho rằng điều này rất vô lý, gây bất lợi cho hãng hàng không giá rẻ và hành khách.

{keywords}
Đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn giá vé máy bay

 
“Nếu quy định giá sàn hành khách sẽ không mua được vé giá rẻ, thậm chí 0 đồng. Như vậy, sẽ ảnh hưởng trước tiên đến hành khách, sau đó các hãng hàng không giá rẻ cũng không thể kích thích được hành khách đi máy bay, cải thiện dòng tiền và kích cầu dịp thấp điểm”, ông Tống nói.
 
Về quan điểm bán vé giá rẻ là phá giá gây cạnh tranh không lành mạnh nên cần thiết phải quy định giá sàn, ông Tổng cho rằng nói như vậy là không đúng. Dịch vụ hàng không có nhiều loại giá, mua sớm giá bao giờ cũng rẻ hơn mua sát ngày, giờ bay. 
 
Hãng hàng không đưa ra chính sách bán trước cả tháng với giá rất rẻ là để kích cầu tiêu dùng, đảm bảo kế hoạch bay, huy động dòng tiền từ hành khách. Nhưng nếu đi sát ngày giá vé vẫn rất cao, ngay vé của hãng hàng không giá rẻ bay sát ngày, giờ cũng chỉ thấp hơn giá vé của Vietnam Airlines không đáng kể.
 
Ông Tống cũng nói thêm, ngoài việc không quy định giá sàn, nhà nước cũng nên bỏ giá trần vé máy bay, bởi hiện nay thị trường hàng không đang cạnh tranh theo thị trường nên giá vé cũng sẽ được thị trường quyết định.
 
Nếu hãng hàng không bán giá cao hơn so với hãng khác mà dịch vụ tương đương thì khách hàng không bay, nhưng ngược lại có hành khách sẵn sàng mua vé giá cao để đi dịch vụ tốt hơn… Giá cao hay thấp do thị trường quyết định.

Ông Tống cho rằng, việc Vietnam Airlines đề xuất quy định giá sàn là đang muốn mượn vai trò nhà nước để can thiệp vào thị trường, tạo ra những lợi ích cho hãng và bất lợi cho hành khách. 

Nếu Cục Hàng không và Bộ GTVT đồng ý với phương án quy định giá sàn thì chẳng khác nào tạo thế độc quyền cho Vietnam Airlines.

{keywords}
Các hãng hàng không cạnh tranh bằng giá vé, điều này có lợi cho hành khách

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, trước đây thị trường hàng không trong nước chủ yếu bị chi phối bởi 1-2 hãng bay nên nhà nước phải áp dụng chính sách giá trần để quản lý giá vé, bảo vệ quyền lợi hành khách. Nhưng khi thị trường hàng không trong nước thay đổi, có thêm các hãng hàng không mới nên bản thân các hãng ngoài việc phải nâng cao chất lượng dịch vụ còn phải cạnh tranh với nhau bằng giá vé nên hành khách mới có thể mua được với giá vé vài trăm ngàn đồng.
 
Ông Bùi Trinh cho rằng, nếu quy định áp giá sàn, các hãng hàng không càng có cớ chính đáng để không giảm giá và người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.
 
“Hàng không cạnh tranh đưa ra giá vé có nhiều sự lựa chọn cho đối tượng người dân. Do vậy nếu áp giá sàn để cắt dòng cạnh tranh vô tình lại cắt cơ hội đi máy bay giá rẻ của người tiêu dùng…”, ông Bùi Trinh nói.
 
Liên quan đến đề xuất áp giá sàn và nới giá trần vé máy bay, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đây không phải là lần đầu Vietnam Airlines này đề xuất giá sàn. Việc đề xuất là bình thường vì tùy theo hình thức, chiến lược kinh doanh của từng hãng.
 
Tuy nhiên, giá sàn liên quan đến hành khách nhiều nên phải đánh giá tác động và xin ý kiến các cơ quan liên quan. Muốn ban hành giá sàn, thay đổi giá trần, Bộ GTVT phải ban hành thông tư mới thực hiện được.

Vietnam Airlines đòi áp giá sàn, hết thời vé máy bay 0 đồng?

Vietnam Airlines đòi áp giá sàn, hết thời vé máy bay 0 đồng?

Làm việc với Cục Hàng không, Vietnam Airlines đề xuất 2 phương án áp giá sàn vé máy bay, thay vì mức 0 đồng như hiện tại. Nếu đề xuất này được chấp thuận đồng nghĩa với việc những vé máy bay khuyến mại giá 0 đồng sẽ không còn.


Gia Văn