63 % người dân đồng thuận cấm xe máy

Hôm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp với Sở GTVT tổ chức Hội nghị phản biện xã hội "Dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM".

Tại hội thảo, Tiến sĩ (TS) Phạm Hoàng Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược - Bộ GTVT (TDSI) cho biết, nguyên nhân ùn tắc là do sự bùng nổ các phương tiện giao thông cá nhân đang vượt quá năng lực đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Chỉ tính riêng xe máy, TP có 8 triệu xe nhưng thực tế con số này có thể lên tới khoảng 10 triệu xe. 

{keywords}
Một vụ ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Sài Gòn 

“Tình hình ùn tắc giao thông tại TP có nhiều diễn biến phức tạp tại khu vực trung tâm, cửa ngõ cảng biển, cảng hàng không. Mặc dù TP có đầu tư hạ tầng như khu Mỹ Thủy, Tân Sơn Nhất nhưng tình hình ùn tắc vẫn chưa giải quyết dứt điểm”- ông nói.

Ông cho biết qua thống kê dựa trên những nghiên cứu đáng tin cậy thì ùn tắc gây thiệt hại 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỷ USD và 2,3 tỷ USD do ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, sử dụng VTHKCC lại giảm ô nhiễm môi trường, lợi về kinh tế.

Từ đó, TDSI đề xuất Dự thảo Đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Cùng với Sở GTVT, đơn vị phối hợp với UBND các phường xã, tổ dân phố thực hiện khảo sát với 35.000 phiếu được phát ra trên 24 quận, huyện và các đầu mối giao thông. Kết quả có 62,56% ý kiến đồng tình hạn chế ô tô con, xe máy.

Ông cũng đưa ra lộ trình thực hiện qua ba giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến năm 2020; giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Một trong những mục tiêu quan trọng mà đề án đưa ra là tiến tới cấm mô-tô, xe máy hai, ba bánh tại một số khu vực trung tâm ở các quận 1, 3, 5, 10... vào giai đoạn 2025 - 2030, khi hệ thống VTHKCC (xe buýt, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh - BRT) cũng như các dịch vụ đi kèm bảo đảm với cự ly tiếp cận trung bình của hành khách đến hệ thống VTHKCC đạt dưới 500m.

Đề án này cũng đặt ra yêu cầu đến năm 2030, thị phần VTHKCC toàn thành phố phải đạt từ 29,3 đến 36,8% để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân. Trước mắt là khu vực trung tâm TP, đến năm 2030 mở rộng ra các khu vực quận 1, 3, 5, 10, khu đô thị Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng. Sau đó phát triển mở rộng, lan tỏa sang các khu vực lân cận. 

{keywords}
Luật sư Nguyễn Văn Hậu- Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM

Khó cấm xe máy

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM băn khoăn về tính khả thi của đề án với mục tiêu hạn chế xe máy lưu thông 4 quận trung tâm.

“Xe máy là phương tiện chính của người dân. TP hiện có trên 8 triệu xe gắn máy và chiếm hơn 90% lượng phương tiện. Hạ tầng TP có nhiều ngõ hẻm dài, khu dân cư tập trung lâu đời thì chỉ có xe máy mới luồn lách, thích ứng được.

Trong khi đó, giao thông công cộng hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng, người dân chưa có thói quen đi xe buýt. Chất lượng xe buýt, an ninh xe buýt còn nhiều tồn tại thì năm 2030 thay thế liệu có khả thi hay không…?”- ông Hậu đặt câu hỏi và băn khoăn khi dự án đường sắt đô thị đang chậm tiến độ.

Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cũng cho rằng, giải pháp hạn chế, kiểm soát phương tiện cá nhân, trước hết là xe máy, ở góc độ nào đó ảnh hưởng tới tự do người dân và có thể coi là xâm phạm quyền công dân. Vì vậy, đề án cần đặt ra giải pháp để bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích chung của xã hội và quyền lợi chính đáng của người dân.

"Thay vì cấm người dân sử dụng xe máy, chính quyền phải làm các biện pháp khác để giúp người dân có thể tự nguyện từ bỏ phương tiện này vì nó không phù hợp, kém lợi thế. Có như vậy thì mọi vấn đề mới được giải quyết triệt để", ông Hậu nói. 

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH KHXH&NV TP.HCM)

Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng đề án còn nhiều vấn đề chưa ổn, không thể muốn cấm là cấm.

“Cần đặt trong bối cảnh xã hội, người dân di chuyển chủ yếu trong 170 km2 nên giải quyết vấn đề dân cư thì góp phần giải quyết việc này. TP cần tạo ra 1-2 trung tâm giãn dân ra và có nhiều nước đã làm như vậy. Tại TP.HCM dồn mọi việc vào khu trung tâm rộng 930ha thì sao không quá tải” ông Hòa nhìn nhận và cho rằng đây còn là bài toán quy hoạch không gian cần phải làm ngay.

Ngoài ra, ông Hòa cho rằng lâu nay nói nhiều về việc cấm xe máy nhưng nước ta lại khuyến khích phát triển sản xuất xe máy để thu thuế, như vậy không ổn. Chính phủ cần suy nghĩ vấn đề này, cấm xe máy thì phải cấm sản xuất, cấm mua bán, trao đổi mới được.

Trong khi đó, KS cao cấp Hà Ngọc Trường (Giảng viên ĐH GTVT) cho rằng, xe máy là phương tiện tối ưu cho cá nhân nhưng là nguyên nhân gây rối loạn giao thông, ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm khí thải, tiếng ồn...

Ông cho rằng không thể đợi đến khi giao thông công cộng đảm bảo cho mọi người dân đi lại mới bắt đầu hạn chế xe cá nhân.

“Việc giảm xe cá nhân là sự tích hợp và cộng hưởng của nhiều giải pháp. Trong số đó, có biện pháp vĩ mô như quy hoạch lại không gian cư trú, phát triển hệ thống metro, xe buýt BRT... và các biện pháp nhỏ khác như tăng cường đi bộ, đi xe đạp ở các cự ly ngắn”- ông Trường nói.

2030 cấm xe máy: Nói thế thôi, thật khó tin

2030 cấm xe máy: Nói thế thôi, thật khó tin

Chỉ có khoảng 30% người tin rằng chủ trương cấm xe máy sẽ được thực thi thành công trong năm 2030.

Tuấn Kiệt