- Kết quả nghiên cứu tai nạn giao thông (TNGT) tại TP HCM công bố ngày 8/8 cho thấy, từ 2013-2015 số vụ TNGT liên quan đến thanh thiếu niên từ 12- 18 tuổi tại TP.HCM tăng 190% và số lượng thanh thiếu niên tử vong vì TNGT tăng 217%.

Kết quả nghiên cứu được Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy (VAMM) thực hiện.

Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ TNGT liên quan tới xe máy điện, xe đạp điện tăng lên đáng kể, ở mức 31%. Bên cạnh đó, hành vi tham gia giao thông của trẻ em dưới 18 tuổi chịu sự ảnh hưởng lớn từ phụ huynh, giáo viên và bạn bè.

Đặc biệt, TNGT xảy ra khi các em tự điều khiển phương tiện giao thông và không đội MBH (từ 13 - 18 tuổi) chiếm 80%, chỉ 20% tai nạn xảy ra trong khi cha mẹ lái xe.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cảnh báo, sở dĩ TNGT trẻ em tại TP.HCM tăng cao có nguyên nhân lớn do tình trạng bùng nổ xe đạp điện, xe máy điện trong 1-2 năm gần đây. Nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện còn lạng lách đánh võng, đi không đúng phần đường nên rất dễ xảy ra tai nạn.

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, để hạn chế và giảm TNGT trẻ em, cần phải giám sát xử phạt trẻ lái xe máy điện không đội MBH, phóng nhanh vượt ẩu đi sai phần đường; Xử phạt nghiêm cha mẹ cố tình vi phạm luật giao thông để giáo dục các em chấp hành nghiêm Luật Giao thông.

{keywords}

Ý thức tuân thủ luật giao thông có trách nhiệm rất lớn của phụ huynh và nhà trường. (Ảnh Zing)

Đưa môn học ATGT vào chính khóa?

ÔngNguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) nêu thực trạng: "Có phụ huynh đèo con phía sau mặc đồng phục đeo khăn quang đỏ nhưng vẫn cố tình vượt đèn đỏ. Thậm chí có người đi xe máy còn không đội BMH cho con, khi bị CSGT xử phạt lại đưa ra lý do vì không có nơi để mũ, không tiện cho việc đi làm...

"Những hành động này của cha mẹ đã tác động không tốt đến ý thức tham gia giao thông của các con” - ông Thạch nói. Do đó, về lâu dài cần đưa môn học an toàn giao thông vào giảng dạy chính khóa trong nhà trường để nâng cao kỹ năng cho các em học sinh khi tham gia giao thông.

Ông Shigeo Yoshzawa, Trưởng Ban an toàn đường bộ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy quốc tế (IMMA) dẫn dụ: Tại Nhật Bản, bên cạnh việc xây dựng các bài giảng lý thuyết văn hóa giao thông thì các em học sinh còn được thực hành giao thông  tại các "công viên giao thông".

Tại đây, các mô hình đường bộ, đèn giao thông, dải phân cách qua đường với các tình huống giao thông như thật đã được các em trải nghiệm thông qua thực hành, do vậy các em luôn ý thức được việc chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ.

"Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng chương trình giảng dạy về văn hóa giao thông một cách chính thống, khoa học (dễ nhớ, dễ hiểu phù hợp với lứa tuổi) gắn liền với thực hành để tạo cho các em học sinh ý thức tham gia giao thông an toàn, góp phần hình thành văn hóa giao thông cho các em từ bé" - ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết. 

Gia Văn