Sau nhiều lần thực hiện các đợt rà soát kỹ thuật, cuối cùng Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã đưa ra đánh giá đạt kết quả tốt cho xếp loại an toàn hàng không VN thông qua việc Đại sứ quán Mỹ trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, việc FAA công nhận CAT 1 không chỉ là điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không VN có thể mở đường bay thẳng đến Mỹ mà còn góp phần nâng cao uy tín của hàng không VN.

“Năng lực con người, bộ máy và các văn bản quy phạm phát luật về hàng không của VN đã phù hợp với thông lệ của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)”, ông Thạch nói.

Khi được hỏi, sau khi được chứng nhận CAT 1, bao giờ các hãng hàng không trong nước có thể mở đường bay thẳng VN - Mỹ, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, hiện tại hãng hàng không trong nước đang chuẩn bị các điều kiện và có thể thực hiện bay thẳng vào cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Thực tế, hãng Hàng không quốc gia VN (Vietnam Airlines) được đánh giá là hãng hàng không đầu tiên có đủ khả năng bay thẳng VN - Mỹ, dù cho 2 hãng Vietjet Air và Bamboo Airways cũng đang bày tỏ sự quan tâm.

{keywords}
Để bay thẳng đến Mỹ, những năm đầu hãng hàng không phải bù lỗ khá lớn

Vietnam Airlines đang sở hữu đội máy bay thân rộng hiện đại (Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900XWB) nên hãng có thể bay trực tiếp đến Mỹ hoặc qua một điểm dừng kỹ thuật tại Nhật Bản để tiếp nhiên liệu, cung cấp suất ăn.

Dù đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại lên Bộ GTVT Mỹ, nhưng để thực hiện mở đường bay thẳng VN - Mỹ, Vietnam Airlines tỏ ra khá thận trọng.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, để hãng mở đường bay thẳng đến Mỹ phải dựa vào cạnh tranh chi phí, doanh thu có khả thi không. Nhiều hãng hàng không quốc tế bay thẳng đến Mỹ với giá vé cạnh tranh rất thấp, trong khi chi phí lại cao.

Do vậy, cần phải 5-10 năm hãng mới có thể khai thác hòa vốn đường bay này. Ước tính, mức lỗ có thể hơn 30 triệu USD trong những năm đầu khai thác.

Đường bay tiềm năng

Tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin thêm, hãng vẫn đang tính toán và chuẩn bị để giảm lỗ trong những năm đầu. Trước tin hãng phải hợp tác với các hãng hàng không như Delta Airlines, China Airlines nhằm phối hợp nguồn khách, nguồn hàng, xây dựng thương hiệu uy tín để tạo dựng hình ảnh với khách hàng tại Mỹ, ông Thạch cho biết, đường bay thẳng đến Mỹ được đánh giá là đường bay tiềm năng.

“Ngoài quan hệ thương mại của 2 nước đang ngày càng được mở rộng. Hiện mỗi năm có khoảng 30.000 du học sinh VN sang Mỹ du học, hàng triệu Việt kiều thường xuyên qua lại thăm thân, đây chính là tiềm năng lớn để đường bay VN - Mỹ sớm trở thành hiện thực”, ông Thạch nói.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay, đường bay VN - Mỹ là đường bay dài 12-13 tiếng liên tục, do vậy các hãng phải tính toán giảm tải hoặc mua các dòng máy bay hiện đại hơn. Hiện nay dòng máy bay thân rộng của Vietnam Airlines (B787, A350) để bay thẳng được thì phải giảm tải thông qua việc giảm khối lượng hàng hóa hoặc bớt số lượng khách so với thiết kế.

Ông Thắng cũng cho rằng, các đường bay transit một điểm dừng đã có rất nhiều hãng hàng không lớn quốc tế cạnh tranh, cơ hội cho các hãng VN là rất thấp.

“Bay thẳng Mỹ từ VN là thị trường hoàn toàn mới, nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội và chưa có hãng nào khai thác, đây sẽ là cơ hội tốt cho các hãng hàng không VN nếu tận dụng tốt”, Cục trưởng Cục Hàng không VN chia sẻ.

Nhận chứng chỉ CAT1, Việt Nam có thể mở đường bay thẳng tới Mỹ

Nhận chứng chỉ CAT1, Việt Nam có thể mở đường bay thẳng tới Mỹ

 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chiều nay trao Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) cho Việt Nam.    

Vũ Điệp