- Lãnh đạo thành phố cần cắt cử 1 Phó chủ tịch UBND làm tổng công trình sư chỉ đạo giảm thiểu tình trạng ùn tắc.

Trước hết, tổng công trình sư được quyền ký hợp đồng, mời đón các “quân sư” giỏi về quy hoạch kiến trúc xây dựng, cầu đường, tổ chức giao thông…

Thứ hai, Sở Quy hoạch Kiến trúc vẽ chỉ giới đường đỏ bao quanh diện tích đất Hà Nội cũ (921km2 có từ trước tháng 8/2008). Trên cơ sở đó, Công an TP xác định địa bàn, dân số thường trú và tạm trú trong phạm vi này để xác định mật độ dân cư (trong chỉ giới đường đỏ) đông đúc đến cỡ nào.

Đồng thời, Sở Xây dựng cùng với các UBND quận, xem xét lại tất cả các giấy phép xây dựng những tòa nhà, những chung cư cao tầng từ 12m trở lên, cũng trong phạm vi này, đã cấp cho các chủ đầu tư, nhưng vẫn chưa khởi công, để trình tổng công trình sư cho hủy bỏ việc khởi công xây dựng.

{keywords}
Người dân ở Linh Đàm ra khỏi nhà từ 7h sáng đã ùn tắc phải lao lên vỉa hè lưu thông. (Ảnh: Trần Thường)

Điều này đồng nghĩa với việc dừng hẳn, không cấp giấy phép xây dựng nhà cao tầng từ 12m trở lên (tính từ cốt 0,0) trong khuôn viên diện tích Hà Nội cũ.

Ngoài ra, việc quy hoạch kiến trúc xây dựng cải tạo, xây dựng mới trong phạm vi chỉ giới đường đỏ, phải bảo đảm diện tích xây dựng giới hạn để hạn chế gia tăng mật độ dân cư. Và cần tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn kỹ thuật về khoảng cách giữa 2 dãy nhà phố (bên chẵn, bên lẻ) song song, liên quan chiều cao dãy nhà, bề rộng lòng đường, vỉa hè.

Các khu đô thị mới cao tầng, đô thị vệ tinh hiện đại, phải quy hoạch kiến trúc xây dựng cực chuẩn giữa chiều cao các tòa nhà với bề rộng đường phố…

Cần sớm di dời 1 số trường đại học ra ngoại thành, hoặc tỉnh lẻ. Riêng các bệnh viện của trung ương hiện có, không cần di dời, vì còn phụ thuộc phương tiện cấp cứu kịp thời. Tránh tình trạng người bệnh cấp cứu bị chết oan, do đến bệnh viện “đường xa, dặm thẳng”. Chỉ trừ trường hợp xây dựng thêm bệnh viện mới, hoặc xây dựng cơ sở 2 (cho các bệnh viện trung ương) mới nên tọa lạc ngoại thành (hoặc tỉnh lẻ).

Thứ ba, khảo sát lại các ngã tư, nút giao thông lớn, có cầu vượt nhưng chưa hoàn chỉnh, để có kế hoạch đầu tư thiết kế xây dựng mở rộng gơ-va-rít (khổ cầu) hiện tại, cải tạo nâng cao tải trọng cầu, thi công bổ sung thêm các cầu vượt cong, để tạo thành các nút giao thông không gian (khác mức, lập thể), cho các phương tiện giao thông đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải.

{keywords}
Tắc từ ngõ ra đường lớn. (Ảnh: Trần Thường)

Thứ tư, tổ chức giao thông cần hợp lý và tối ưu. Chẳng hạn chu kỳ đèn tín hiệu: xanh, vàng, đỏ và đỏ, xanh (bỏ vàng) ở những nút giao thông có đèn tín hiệu, phải phù hợp với lưu lượng xe đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải, nếu không, sẽ phản tác dụng.

Hoặc vạch sơn phân làn xe ô tô cần chuẩn xác - vừa đủ độ rộng. Không rộng nhỡ cỡ từ 1,5 - 2 làn xe. Và đối với đường phố chỉ rộng 3 làn xe (cho mỗi chiều đi), với lưu lượng xe rẽ trái không nhiều, khi đến phạm vi nút giao thông, không nên vẽ mũi tên tách bạch làn xe rẽ trái riêng, làn xe đi thẳng riêng, mà nên kết hợp chúng lại, để khỏi lãng phí diện tích mặt đường và không tạo thành “bẫy” những người lái xe vi phạm luật Giao thông (đi thẳng, dễ lộn vào làn đường rẽ trái)...

Tôi hy vọng 4 công việc cụ thể chi tiết nêu trên được bổ sung thêm vào “công cuộc” làm giảm tình trạng tắc đường ở thủ đô Hà Nội hiện nay.

...
Mời bạn chia sẻ những câu chuyện, ngẫm nghĩ về giao thông Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hiến kế, gợi ý để có thể cải thiện giao thông Hà Nội tốt hơn. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải.

Nguyễn Thành Lập (kỹ sư xây dựng, cựu sỹ quan cao cấp công an)