Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình trả lời VietNamNet về công tác công tác phòng, chống dịch của tỉnh trong thời gian qua và biện pháp bảo vệ những thành quả đã đạt được.

'Chúng tôi chống dịch quyết liệt ngay từ đầu'

An Giang là một trong những tỉnh kiểm soát được dịch Covid-19. Tỉnh đã thay đổi biện pháp giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15. Để đạt được kết quả này, công tác phòng chống trên địa bàn tỉnh được tính toán và triển khai thế nào, thưa ông?

Ngay từ đầu, An Giang đã nhận định được tình hình dịch bệnh phức tạp. Chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới. Cũng như nhiều nơi, chúng tôi rất lo lắng về chủng Delta.

Khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, một người về từ Bình Dương, tỉnh đã cho làm xét nghiệm để tìm hiểu yếu tố dịch tễ.  Kết quả, đây là chủng Delta.  Lập tức, tỉnh xây dựng kịch bản để phòng, chống dịch.

Nói thêm, trong các đợt phòng, chống dịch, An Giang là tỉnh được xếp vào nguy cơ rất cao. Tỉnh có 100km đường biên giới giáp với Campuchia, phía nước bạn cũng bùng phát dịch bệnh. Trong nước, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang… xuất hiện nhiều ca nhiễm.

Khi dịch bệnh bùng phát, An Giang đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ rất sớm. Tỉnh đã đặt ra mục tiêu bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cùng với đó phải ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài vào.

Để ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài vào, An Giang xây dựng theo hai hướng. Thứ nhất, xây dựng 216 chốt chặn dọc biên giới với 2.500 quân, tuần tra 24/24 để ngăn chặn người nhập và xuất cảnh trái phép. Trong đó, tôi lưu ý đến việc kêu gọi sự chung sức của người dân.

Từ rất sớm, tôi đã phát động phong trào mỗi tổ dân phố là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, người dân. Cho người dân cam kết, nếu phát hiện người lạ hoặc người thân về từ nơi khác phải lập tức báo cho chính quyền địa phương.

Qua đó, đã phát hiện, triệt phá được rất nhiều vụ đưa người vượt biên trái phép.  An Giang ngăn chặn được dịch xâm nhập từ Campuchia vào.

{keywords}
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một cuộc họp. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh

Thứ hai, trong nội địa, ngay khi giãn cách theo Chỉ thị 16, chúng tôi cũng thực hiện theo mô hình nói trên.

Ngoài ra, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi xác định nguyên nhân là do tài xế đường dài. Qua số liệu thống kê có đến 85% các tài xế đường dài làm lây lan dịch bệnh. Họ giao hàng, đi rất nhiều, nên làm lây lan dịch bệnh nhanh. Chính vì vậy, An Giang lập các chốt chặn để kiểm soát người vào tỉnh.

Tại các chốt chặn, một số tài xế đường dài có giấy xét nghiệm PCR hoặc test nhanh còn thời hạn, nhưng khi cho test lại thì phát hiện dương tính.

Tài xế không giao hàng hóa ở một địa điểm, mà đi qua rất nhiều huyện, thành phố nên rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, tại cửa ngõ vào tỉnh, tài xế sẽ được kiểm tra, nhắc nhở và khai báo điểm đến, trường hợp nghi ngờ được lấy mẫu test nhanh. Lấy mẫu xong, tài xế được phép đi giao nhận hàng hóa. Khi có kết quả xét nghiệm, nếu dương tính, lực lượng tại chốt sẽ gọi điện báo cho lực lượng tại điểm đến của tài xế, để đưa họ đi xét nghiệm khẳng định, điều trị.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định, nơi nào có lực lượng công an, quân đội tham gia thì công tác phòng, chống dịch sẽ tốt hơn. An Giang đã thành lập các tiểu ban, trong đó, quân đội phụ trách về công việc cách ly tập trung. Công an, y tế được giao nhiệm vụ truy vết F1, F0. An sinh xã hội giao cho mặt trận tổ quốc; tuyên giáo phụ trách công tác tuyên truyền.

Tỉnh cũng xây dựng đại đội truy vết, mỗi huyện có trung đội truy vết và mỗi xã có tiểu đội truy vết. Khi một xã có dịch bệnh nhiều, trung đội truy vết sẽ xuống hỗ trợ dập dịch, khoanh vùng.

Đặc biệt, đối với chủng Delta, nếu co cụm lại, đưa F1 vào cách ly tập trung dày đặc sẽ làm dịch lây lan rất nhanh. Bởi thế, chúng tôi tìm cách tản ra, liên hệ với khách sạn, nhà nghỉ để vận động họ cho trưng dụng làm nơi cách ly. Rất may, qua vận động các chủ khách sạn, nhà nghỉ đều ủng hộ.

An Giang có chuyến xe 0 đồng, cửa hàng 0 đồng và nhà nghỉ, khách sạn 0 đồng và cả xã hội vào cuộc chống dịch.

Tóm lại, công tác phòng, chống dịch phải có sự đồng thuận, quyết liệt, tham gia của người dân; tất cả hệ thống chính trị vào cuộc thì mới thành công được. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Muốn người dân an tâm phòng, chống dịch thì công tác an sinh xã hội cực kỳ quan trọng, nhất định không được để họ thiếu đói.

Kế hoạch chuyển từ “bảo vệ người dân” sang “người dân tự bảo vệ”

Để giữ vững những thành quả đạt được thì tỉnh đã đưa ra những biện pháp gì, thưa ông?

Chúng tôi yêu cầu tất cả người dân phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và 5T, cộng với nhận thức, kiểm soát, xử lý.

Trong đó, phải tuyên truyền cho người dân nhận thức tốt hơn về dịch bệnh.  Tôi đã chỉ đạo cho ngành y tế sắp tới phải xây dựng kế hoạch chuyển từ “bảo vệ người dân” sang “người dân tự bảo vệ”.

Chúng ta không thể bảo vệ người dân mãi được, người dân phải tự bảo vệ mình. Muốn làm được như vậy, tôi đã chỉ đạo Sở Y tế xây dựng các tờ bướm để phát, hướng dẫn cho người dân cách phòng, chống dịch, khi có triệu chứng thì liên hệ với ngành y tế như thế nào; F1, F0 không triệu chứng sẽ xử lý ra sao, xây dựng các túi y tế.

Đặc biệt, An Giang lưu ý đến người nghèo và cận nghèo. Đối với đối tượng này chúng tôi vận động nguồn xã hội hóa để cung cấp cho xà bông, khẩu trang, gel rửa tay, tủ thuốc gia đình và các khuyến cáo 5K để họ phòng chống dịch.

Đối những đối tượng còn lại, tuyên truyền, vận động người dân tự bảo vệ mình trước dịch Covid-19.

Ngoài ra, An Giang xây dựng, mô hình nhà nghỉ, khách sạn 0 đồng. F0 không chịu chứng cũng đưa vào đây, đồng thời, chỉ dẫn cho người dân tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Nhất quyết không để cho các khu cách ly tập trung quá đông người.

Bên cạnh đó chúng tôi xây dựng thêm mô hình 5T gồm: tăng cường sức khỏe (thực phẩm dinh dưỡng đầy đủ), tập thể dục; tắm nắng thường xuyên; thông thoáng nhà cửa và tinh thần thoải mái.

Tập trung xét nghiệm, trong đó kiên quyết bảo vệ vùng xanh; vùng cam, vàng phải chuyển xanh và triệt tiêu vùng đỏ.

Hiện, tình dịch bệnh ở các địa phương lân cận vẫn còn phức tạp, cho nên An Giang vẫn phải kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh từ bên ngoài vào.

{keywords}
Công an An Giang hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn trong dịch

Trong thời gian giãn cách xã hội, An Giang triển khai những giải pháp nào để đảm bảo an sinh xã hội?

Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", trong thời gian giãn cách xã hội, An Giang đã sớm triển khai thực hiện các gói an sinh hỗ trợ từ Trung ương. Bên cạnh đó, tất cả người bán vé số dạo đã được nhận tiền hỗ trợ.

An Giang đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, không để người dân thiếu đói. Gạo, rau củ, lương thực, thực phẩm đều phát đầy đủ, đến tay người gặp khó khăn. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ nhóm lao động tự do, từ nguồn ngân sách địa phương. 

Hoài Thanh thực hiện

Chiến lược phòng dịch của tỉnh duy nhất chưa có F0

Chiến lược phòng dịch của tỉnh duy nhất chưa có F0

Là địa phương có hơn 300 km đường biên giới, tỉnh Cao Bằng đang giữ vững thành quả chưa có ca mắc Covid-19 nhờ chiến lược “phòng dịch từ xa” với phương châm đi trước một bước và cao hơn một mức để không phải chống dịch.