Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, xe đạp Việt Nam, đặc biệt là xe đạp thồ phục vụ chiến tranh trở thành huyền thoại. Nó không phải chỉ xuất hiện trong kháng chiến chống Pháp, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ mà sau này chiếc xe đạp thồ còn được sử dụng hiệu quả trong kháng chiến chống Mỹ.

Xe đạp không chỉ phục vụ vận tải như chở lương thực, thực phẩm, đạn dược mà còn sử dụng để cáng thương binh (xe trước - xe sau, giữa mắc chiếc võng). Ở chỗ đường rộng, người sử dụng xe đạp còn cặp đôi xe lại với hai võng chở 2 thương binh.

{keywords}
Thiếu tướng Lê Mã Lương. Ảnh: Dân Việt

Người có sáng kiến cải tiến xe đạp thồ giúp chở được nhiều hàng hóa là ông Ma Văn Thắng quê ở Thanh Lâu, Thanh Ba, Phú Thọ (ông đã qua đời). Ông Thắng lúc đó là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Thanh Minh, huyện Thanh Ba (nay thuộc thị xã Phú Thọ) Hiện nay xe đạp thồ mà ông sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đang được đặt ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiếc xe đạp đã được dân công sử dụng để chở lương thực, tuy nhiên lúc đầu mỗi xe chỉ chở được từ 80-100 kg, đi lại rất vất vả. Trong quá trình vận chuyển ông Thắng đã có sáng kiến cải tiến chiếc xe đạp thồ để nâng mức chở lên 200kg, thậm chí hơn 300kg. Như chiếc xe ông Thắng sử dụng đã lập kỷ lục khi tải đến 325kg.

{keywords}
Ông Ma Văn Thắng, Phú Thọ với chiếc xe đạp thồ đạt kỷ lục chở 325kg hàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (ảnh báo Điện Biên Phủ)

Trong quá trình công tác đã bao giờ ông gặp ông Ma Văn Thắng để tìm hiểu về chiếc xe đạp thồ chưa thưa ông?

- Tôi đã gặp gỡ ông Thắng mấy lần ở Hà Nội (tôi lên nhà ông một lần). Tôi nói với ông, qua tài liệu cũng như qua phổ biến chúng tôi được biết bác là người có sáng kiến cải tiến chiếc xe đạp để thồ hàng phục vụ chiến dịch, mà xe không phải bác mang từ nhà đi. Ông Thắng nói ngay, mình nghèo rớt mùng tơi lấy đâu ra xe đạp.

Thời đó những người có xe đạp phải là những gia đình khá giả, còn đối với nông dân, đặc biệt là bần cố nông thì không bao giờ có thể mơ có được tài sản này. Nói như thế để thấy xe đạp thời đó rất giá trị. Còn ông Thắng lúc đó chỉ là bần nông.

Ông Thắng cho biết, chiếc xe đạp thồ ông sử dụng là đi mượn của cơ quan đóng trên đường ra mặt trận và sau chở thành tài sản gắn với ông vì cơ quan đó đã di chuyển, ông Thắng không biết trả lại cho ai.

Để thồ được nặng như vậy xe phải gia cố như buộc đoạn tre nhỏ (hoặc gỗ), dài khoảng 1m, gọi là "tay ngai" vào ghi-đông để điều khiển; một thanh gỗ (hoặc thanh tre cứng) cao hơn yên xe khoảng 50 cm buộc vào trục yên, vừa giúp giữ thăng bằng, vừa đẩy xe đi; gá thêm sắt, buộc thêm gỗ để tăng độ cứng của khung xe; lấy vải, quần áo cũ, săm cũ lót vào bên trong tăng độ bền của săm, lốp xe; bổ sung thêm 2 chiếc ghế, một chiếc để dựa xe trong lúc nghỉ chân, một chiếc để chèn xe khi xuống dốc.

Ông Thắng nói không biết mình là người đầu tiên có sáng kiến cải tiến xe đạp thồ để vận chuyển lương thực hữu hiệu. Sau này qua báo chí tuyên truyền, rồi Bảo tàng Lịch sử Quân sự đưa chiếc xe về để trưng bày thì ông mới biết. Ông nói rất chân thật đúng với bản chất của người nông dân chất phác.

{keywords}
 
{keywords}
Dân công dùng xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu)

Quá trình đi tìm người có sáng kiến cải tiến xe đạp thồ ở chiến dịch Điện Biên Phủ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có gặp khó khăn gì không?

- Thực ra Bảo tàng cũng không gặp khó khăn gì, bởi trước đó trên Báo Quân đội nhân dân có đăng bài báo nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói về chiếc xe đạp này. Cán bộ của Bảo tàng dựa vào đó để tìm đến gia đình ông Thắng để sưu tầm đưa chiếc xe đạp về trưng bày. Tôi nhớ chiếc xe đạp này được đưa về Bảo tàng khoảng những năm 60 của thế kỷ trước.

Những người tham quan Bảo tàng, đặc biệt là các nhà quân sự, học giả của nước ngoài khi đứng trước phần trưng bày chiếc xe đạp thồ ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã thể hiện thái độ thế nào, thưa ông?

- Họ tỏ ra rất ngạc nhiên khi được giới thiệu đây là một trong những phương tiện chủ yếu đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các học giả nước ngoài nói rằng, chưa ở đâu có như ở Việt Nam, khi sử dụng một lượng lớn xe đạp thồ - một phương tiện đơn giản trở thành phương tiện vận tải hữu hiệu. Họ đã đánh giá rất cao chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Việt Nam đã huy động được mọi sức mạnh, huy động mọi lực lượng, huy động mọi yếu tố, phát huy mọi sáng kiến để phục vụ cuộc kháng chiến cho nên Việt Nam giành thắng lợi là tất yếu.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng gần 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao.

Xe đạp thồ là một phương tiện linh hoạt nó có thể khắc phục được nhiều nhược điểm của các phương tiện khác. Mỗi chiếc xe thồ có thể chở trung bình từ 80kg đến 100kg tương đương với sức mang của 5 người. Nhiều xe thồ đến hơn 200 kg, đặc biệt có những xe thồ đến hơn 300 kg.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ công tác hậu cần lại đảm bảo được một khối lượng vật chất lớn với 20.125 tấn, trong đó gạo là 14.950 tấn, vũ khí đạn và dầu 3.000 tấn, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác.

Lần đầu tiên ta bảo đảm cho một lực lượng lớn tham gia chiến dịch bao gồm cả bộ đội chủ lực 53.800 người, thanh niên xung phong và dân công phục vụ chiến dịch là hơn 33 nghìn người.

Vị bác sĩ gặp nữ tù binh Pháp duy nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Vị bác sĩ gặp nữ tù binh Pháp duy nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Genevieve Degala - nữ tù binh duy nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm về trước là một y tá phục vụ tại bệnh viện dã chiến của chiến dịch. 

Theo Dân Việt