Có lẽ chẳng ở đâu cho đến thời điểm này có một vùng đất mà tên gọi của nó mỗi khi nhắc đến lại gợi cho người ta cảm giác heo hút và xa xôi diệu vợi như Mường Nhé.

Vùng ngã ba biên giới với điểm tận cùng cực Tây của Tổ quốc: A Pa Chải từng sở hữu vô số kỷ lục vô tiền khoáng hậu, trong đó có những kỷ lục buồn về sự xa xôi, nghèo đói và bất ổn về an ninh trật tự. Nhưng trong sự khắc nghiệt bậc nhất ấy, vẫn có các chiến sỹ Công an đang ngày đêm lặng thầm, đồng cam cộng khổ giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân. Và dường như điều đó đã góp phần đem một mùa xuân đến sớm hơn ở nơi thâm sơn cùng cốc, heo hút đến tận cùng này…

Tây Bắc được mệnh danh là xứ sở của hoa ban nhưng ở Mường Nhé mùa này lại bạt ngàn hoa cúc quỳ. Năm nay cái lạnh đến sớm nhưng lại vội vã đi nên mới đầu tháng Chạp mà khắp các cánh rừng Mường Nhé đã được thắp lên một màu vàng rực của cúc quỳ- loài hoa dại nhưng có sức sống mãnh liệt và rạng rỡ đến nao lòng.

{keywords}
Bịn rịn chia tay nơi vùng biên tổ quốc.

Mường Nhé là huyện duy nhất của nước ta tiếp giáp với cả hai nước Lào và Trung Quốc, trong đó có 160 cây số đường biên với Lào và 49,5 cây số với Trung Quốc. Đã có thời, đường vào Mường Nhé gian nan đến độ được ví như lên giời; vùng đất ngã ba biên giới heo hút cách trung tâm huyện lỵ Mường Tè (Lai Châu cũ) gần 200 cây số đường rừng. Muốn đến đó, người ta chỉ có thể đi bộ và phương tiện duy nhất vẫn là đôi chân với những chuyến đi kéo dài dằng dặc nhiều tuần lễ.

Hiện nay, Mường Nhé có 11 xã, xấp xỉ 36 ngàn dân, hơn 60% dân số Mường Nhé là dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo Thượng tá Nguyễn Trong Trường, Trưởng Công an huyện Mường Nhé, làn sóng di cư tự do bắt đầu phức tạp từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, từ hơn một vạn người 10 năm sau đó, vùng ngã ba biên giới này đã phải tiếp nhận hơn 4 vạn dân di cư tự do (thời điểm chưa chia tách huyện Nậm Pồ). Nếu như trước đó, Mường Nhé có duy nhất một bản người Mông là Nậm Nà gồm 30 hộ, gần 120 nhân khẩu, thì hiện nay người Mông là dân tộc chiếm đa số.

Hồi đó Mường Nhé hoang biệt, mênh mông, đất đai màu mỡ, trở thành “vùng đất hứa” để người dân di cư tự do kéo đến. Họ tìm mảnh đất bằng phẳng để dựng lán trại, chặt phá đại ngàn làm nương rẫy. Tình trạng tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc, nghe và tin theo kẻ xấu, rồi xuất nhập cảnh trái phép là những vấn đề phức tạp khiến cấp ủy, chính quyền địa phương đau đầu. Nghiêm trọng hơn, do không được quản lý chặt chẽ, nhiều bản làng trở thành nơi ẩn nấp “lý tưởng” của nhiều tên tội phạm nguy hiểm sau khi gây án bỏ trốn hoặc một vài nhóm người tụ tập tuyên truyền cái xấu. Vụ gây rối ở Huổi Khon, xã Nậm Kè tháng 5- 2011 là một ví dụ điển hình…

Kiên quyết không để kẻ xấu lợi dụng, lừa bịp nhân dân bằng những luận điệu hoang đường, cấp ủy chính quyền và Công an tỉnh Điện Biên đã có nhiều giải pháp, một trong những biện pháp trọng tâm là công tác tăng cường cán bộ xuống cơ sở, thực hiện 3 cùng với nhân dân, củng cố hệ thống chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, chỉ tính từ năm 2010 đến nay, Công an tỉnh Điện Biên và Cục an ninh Tây Bắc (Bộ Công an) đã tăng cường hơn 6.000 lượt cán bộ chiến sỹ vào bám bản, bám dân thực hiện 3 cùng với nhân dân. Hệ thống chính trị 11 xã đã được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ Công an viên ở hơn 130 bản đã được xây dựng, bổ xung kể cả những xã, bản mới thành lập như Nậm Vì, Pá Mỳ, Huổi Lếch…

Hàng ngàn lượt cán bộ chiến sỹ được tăng cường xuống bám bản, bám dân để triển khai công tác nghiệp vụ và giúp dân ổn định cuộc sống. Lực lượng Công an đã làm được nhiều việc đáng được gọi là kỳ tích, đó là điều tra, rà soát đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, cấp CMND cho hơn 3 vạn người dân di cư. Đặc biệt từ năm 2008, khi chính phủ có Quyết định 141/ QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do ở Mường Nhé, các tổ đội công tác tăng cường của lực lượng Công an lại trở thành lực lượng nòng cốt giúp các ban, ngành tỉnh Điện Biên triển khai có hiệu quả quyết định này.

{keywords}
Thiếu nữ A Pa Chải giữa mùa hoa cúc quỳ.

Lực lượng Công an đã tham mưu cho chính quyền thành lập và xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở hơn 40 bản lớn, nhỏ; rà soát tuyển dụng hơn 200 công chức xã, phát hiện, bồi dưỡng và đề nghị kết nạp Đảng cho hơn 270 quần chúng ưu tú, xóa 37 bản “trắng” đảng viên; làm thủ tục cấp phát hộ khẩu cho 13.700 hộ dân, cấp CMND cho gần 25.000 người.

Đến giáp Tết Nguyên đán Ất Dậu này vẫn có nhiều bản ở Mường Nhé chưa có đường ôtô, có nghĩa là phương tiện duy nhất để cán bộ, chiến sỹ Công an xuống với bà con vẫn chỉ là đôi chân với những chuyến băng rừng vượt sông mải miết. Khó khăn còn nhiều nhưng ở nơi tận cùng đất nước này lòng dân biên giới và sự nỗ lực, hy sinh của cán bộ, chiến sỹ Công an dường như đã chiến thắng tất cả.

Chúng tôi xuống bản Tá Miếu- một bản xa nhất của xã Sín Thầu mới cảm nhận hết những gì cán bộ Công an , Biên phòng, Đoàn 379 (Đoàn kinh tế- quốc phòng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên) đã làm cho người dân ở nơi thâm sơn cùng cốc này. Tá Miếu khi chia tách từ bản A Pa Chải từng có gần 90% dân số nghèo đói nhưng hôm nay bản đã vượt lên vững mạnh toàn diện; số hộ nghèo chỉ còn 15% không còn hộ đói. Tá Miếu bây giờ không phải “cuốc bộ” hàng tuần lễ như cách đây chừng dăm bẩy năm nữa. Ôtô đã vào đến tận bản, thậm chí là đến tận cột mốc ngã ba biên giới.

Cửa khẩu A Pa Chải- Long Phú giáp ranh với huyện Giang Thành (Vân Nam- Trung Quốc) nhộn nhịp hàng hóa qua lại trong những ngày giáp Tết. Ông Mạ Gió Tư, một người cao niên mấy thế hệ cheo leo định cư trên đỉnh A Pa Chải rưng rưng: “Mới cách đây vài năm chẳng ai dám mơ nhìn thấy cái ôtô nhưng bây giờ, Tá Miếu- A Pa Chải có cả cửa khẩu quốc gia, ôtô, xe máy, tivi, hàng hóa không thiếu thứ gì nhất là vào những ngày chợ phiên hàng tháng (chợ phiên biên giới họp vào các ngày 3, 13, 23 âm lịch- PV)”.

Ông Pờ Dần Sinh, Bí thư UBND xã Sín Thầu chia sẻ: “Cuộc sống của bà con Hà Nhì ở Sín Thầu giờ đã khấm khá hơn. Hiện xã có đến gần 30 hộ gia đình làm kinh tế giỏi thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm. Phát huy truyền thống Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 230 hộ dân của xã tích cực bảo vệ ANTQ, đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn chặn di dịch cư tự do, đốt phá rừng bừa bãi, giữ gìn đường biên mốc giới bình yên. Án sáng của Đảng và Chính phủ (điện lưới quốc gia- PV) cũng đã vào đến A Pa Chải từ tháng 5- 2014”.

Thượng úy Vàng Văn Chung, Trưởng Công an xã Sín Thầu tự hào là “xã 4 không” duy nhất của huyện Mường Nhé: nhiều năm nay xã không có người nghiện, không phá rừng, không di cư và không có truyền đạo trái phép…

Có lẽ sau ông Pờ Sì Tài, nguyên Trưởng Công an xã Sín Thầu- người vẫn mệnh danh là cây đại thụ của đại ngàn Mường Nhé thì ông Pờ Dần Sinh chính là thế hệ “cây cao bóng cả” tiếp nối truyền thống quật cường của vùng ngã ba biên giới này.

Ông Sinh giữ cương vị chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu nhiều khóa liên tiếp. Ông là người Hà Nhì sinh ra lớn lên bên dòng Mo Phí, là nhân chứng nhưng cũng là người trong cuộc, có những đóng góp không nhỏ vào sự thay da đổi và chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất này.

Ông bảo, người dân Mường Nhé cũng như bôn cúc quỳ, giữa đại ngàn xa thẳm vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt, vượt qua khắc nghiệt của mùa đôngđể rồi kiêu hãnh nở bông, khoe sắc, thắp lên màu của no ấm, của khát vọng và niềm tin đúng vào dịp Tết đến Xuân về. Năm mới đang cận kề nhưng đây là nơi duy nhất ở vùng ngã ba biên giới dường như mùa xuân đến sớm…

(Theo Công an nhân dân - số Xuân Ất Mùi)