Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết hiện 40 lao động Việt Nam tại Malaysia đã trở về nước an toàn.


40 lao động Việt Nam (37 nữ, 3 nam) tại Malaysia đã về đến sân bay Nội Bài lúc 22h30 đêm 10/4. Đây là số lao động về nước theo nguyện vọng sau khi hết hạn visa lao động.

Trước khi rời Malaysia, toàn bộ lao động Việt Nam đã được chủ sử dụng thanh toán tiền lương. Những lao có nguyện vọng ở lại làm việc tiếp đang chờ thủ tục gia hạn giấy từ phía các cơ quan chức năng.


Các lao động Việt Nam vui mừng khi trở về nước (Ảnh: Báo Công lý)
Ngay khi về đến sân bay, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước và Cty cổ phần Việt Hà đã hỗ trợ 3 triệu đồng/người, bố trí xe đưa những lao động này về quê .

40 lao động nói trên nằm trong số 69 lao động được Cty cổ phần Việt Hà (Hà Tĩnh) đưa hợp pháp sang làm dịch vụ tại các bệnh viện ở bang Penang (Malaysia) từ tháng 6/2010. Công ty môi giới là Asmana, nhà thầu chính là công ty Faber.

Vào trung tuần tháng 3, một số tờ báo địa phương tại Malaysia đưa tin 42 lao động nữ Việt Nam trong độ tuổi 30-50 lao động tại nước này bị bỏ đói, nợ lương và đối xử bạo lực gây ra những lùm xùm không đáng có.

Ngay sau đó, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức lên tiếng phủ nhận, khẳng định tất cả số lao động nói trên đã được trở lại ký túc xá, được cung cấp thực phẩm và trả lương cơ bản mức 500 Ringgit/tháng (tương đương 3,4 triệu đồng) trong lúc chờ hoàn thành thủ tục gia hạn visa.

Vụ việc xảy ra khi cơ quan nhập cư Malaysia tiến hành kiểm tra đột xuất các lao động Việt Nam và phát hiện giấy phép lao động của những người này bị hết hạn. Nguyên do là phía chủ sử dụng Asmana không tiến hành gia hạn visa cho lao động mà chỉ làm cho lao động giấy lưu trú đặc biệt.

Việt Nam chính thức hợp tác lao động với Malaysia từ năm 2002, đến nay đã có khoảng 190.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại nước này, chủ yếu trong các ngành chế tạo.

Minh Đức (tổng hợp)