- Sau khi phát hiện khối sắt nghi là đuôi máy bay dưới đáy biển Cửa Sót (Lộc Hà, Hà Tĩnh), các ngư dân đã đánh dấu vị trí. Hôm sau, họ huy động hàng chục nhân công cùng nhiều máy móc để trục vớt. Tuy nhiên, cũng phải mất 4 ngày mới đưa được khối sắt này lên bờ.

Phát hiện khối sắt, nghi là đuôi máy bay Su22 dưới đáy biển

 Trong lúc lặn biển, ngư dân xã Thạch Bằng (Lộc Hà - Hà Tĩnh) phát hiện một vật thể "lạ" bằng sắt thép rất lớn, nghi là 1 bộ phận máy bay. Sau nhiều ngày vất vả trục vớt, khối sắt thép này đã được ngư dân đưa lên bờ.

Hoảng hốt phát hiện vật thể "lạ"

Chiều tối 18/5, nhận được thông tin về việc, ngư dân xã Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh) tìm thấy khối sắt nghi là đuôi máy bay, PV VietNamNet đã có mặt tại gia đình anh Trần Ngọc Thắng (SN 1975, trú thôn Xuân Hòa, xã Thạch Bằng) để tìm hiểu.

 {keywords}
Khối sắt nặng 1,5 tấn nghi là đuôi máy bay được ngư dân tìm thấy và trục vớt. (Ảnh: Văn Đức)

Khối sắt nghi là đuôi máy bay Su 22 có chiều dài chừng 2,5m, đường kính nơi rộng nhất chừng 1,3 m, nặng khoảng 1,5 tấn.

Không giấu được sự vui mừng, anh Trần Ngọc Thắng kể, vào khoảng 14h ngày 14/5, anh điều khiển tàu cá mang số hiệu HT - 90143 TS (công suất 105 CV) cùng với 10 ngư dân khác đi lặn ở khu vực biển Cửa Sót.

Khi cách bờ chừng 6 hải lý, sâu chừng 9 sải nước (khoảng 14 m), chiếc tàu dừng lại tìm vị trí để neo đậu an toàn thì 9 ngư dân cũng lặn xuống biển để tìm hải sản.

{keywords}
Hai ngư dân đầu tiên Trần Ngọc Quân (ảnh phải)  và Trần Ngọc Thắng phát hiện và huy động lực lượng, phương tiện trục vớt vật thể lên bờ. (Ảnh: Văn Đức)

Tuy nhiên, tới khoảng 15h cùng ngày, anh Trần Ngọc Quân (SN 1985, ngụ cùng thôn) tá hỏa khi phát hiện một vật thể "lạ" trồi lên chừng 10 cm so với đáy biển. Anh Quân nhanh chóng bơi lên thuyền.

Sau khi trấn tĩnh, anh Quân liền thông báo cho những ngư dân khác biết sự việc. Sau đó, một số ngư dân khác cũng lặn xuống để kiểm tra.

Sau khi bàn bạc, nhóm ngư dân đi tới thống nhất, vì vật thể này nằm sâu dưới đáy biển, không dễ dàng gì có thể lấy lên được nên sẽ cắm phao để đánh dấu tọa độ nơi phát hiện ra vật thể, ngày hôm sau mới trục vớt.

“Lúc ấy, mấy anh em chúng tôi vẫn không thể hình dung ra được vật thể đó là gì, bởi nó nằm sâu dưới đáy biển, chỉ "trồi" lên một chút”, anh Quân nói.

4 ngày "vật lộn" giữa biển khơi

{keywords}

Bộ phận kỹ thuật quân sự tỉnh Hà Tĩnh bước đầu nhận định, rất có thể vật thể này là phần đuôi của máy bay chiến đấu Su22. (Ảnh: Duy Tuấn)

{keywords} 

Đồn biên phòng Cửa Sót giao trách nhiệm cho gia đình anh Thắng phải đảm bảo an toàn, nguyên vẹn cho khối sắt. (Ảnh: Văn Đức)

Rạng sáng ngày 15/5, anh Thắng, anh Quân đã huy động gần 30 người khác cùng 3 tàu lớn và thiết bị cẩu trở lại vị trí cũ để tiến hành trục vớt.

Anh Trần Ngọc Quân chia sẻ, một trong những việc khó khăn nhất khi trục vớt chính là xác định được hình dạng, kích thước và khối lượng của vật thể.

“Để làm được việc này, suốt nhiều giờ đồng hồ liền, chúng tôi phải thay nhau lặn mới xác định được, may mắn là lúc ấy biển lặng”, anh Quân cho biết thêm.

Tiếp đó, các ngư dân tiến hành sục cát xung quanh vật thể "lạ". Dần dần, hình dạng của nó bắt đầu "lộ" rõ. Đó là một khối hình trụ khổng lồ, được làm bằng sắt thép và rất nặng.

“Chúng tôi phải bơm đầy nước vào 16 chiếc thùng phuy (mỗi phuy chứa được chừng 500 lít nước), rồi dùng dây thừng, dây cáp buộc chúng xung quanh khối sắt. Sau đó, nối đường ống dẫn để bơm khí đẩy nước trong các thùng phuy ra. Khí trong các thùng phuy sẽ khiến cho khối sắt nổi lên khỏi đáy biển.

{keywords}
Dòng chữ và ký hiệu in trên 1 bộ phận đã bị tách rời ra khỏi khối kim loại nghi là đuôi máy bay. (Ảnh: Duy Tuấn)

Phải mất 2 ngày làm việc cật lực, bất kể ngày đêm, chúng tôi mới khiến cho khối sắt nổi lưng chừng (cách đáy biển khoảng 7 m)", anh Quân kể.

Sang tới ngày thứ 3, những ngư dân này bắt đầu việc kéo khối nặng hơn 1,5 tấn này vào bờ.

Sau khi cột chặt các sợi dây thừng, dây cáp quanh khối sắt, chiếc tàu bắt đầu ì ạch di chuyển. Nhưng vừa đi được 2 hải lý, toàn bộ dây bị đứt, 16 chiếc thùng phuy vì thế cũng bị nước tràn vào, khối sắt lại chìm xuống đáy biển. Và các ngư dân phải bắt đầu lại từ đầu.

Mất gần nửa ngày "vật lộn", họ mới làm cho khối sắt nổi lên và tiếp tục đưa nó vào bờ.

Khu vực lạch Cửa Sót khá cạn (bị bồi lấp) nên càng vào sâu trong bờ, đường đi rất khó khăn, những ngư dân liền tăng thêm 6 thùng phuy nữa để cho khối sắt nổi thêm, dễ di chuyển.

Tuy nhiên, khi cách bờ hơn 1 hải lý, dây thừng lại bị đứt, khối sắt nặng cả tấn lại chìm xuống biển. Không nản lòng, những ngư dân lại tiếp tục lặn xuống để buộc lại dây, bơm khí đẩy nước ra các thùng phuy.

Phải tới 18h ngày 17/5, khối sắt 1,5 tấn mới được đưa vào gần bờ (cách chừng 500 m). Và anh Trần Ngọc Thắng đã thuê thêm 1 chiếc máy cẩu, 1 chiếc máy xúc để di chuyển khối sắt lên bờ.

Mất hơn 2 giờ đồng hồ, hàng chục ngư dân cùng máy móc mới đưa được khối sắt khổng lồ lên xe ô tô để đưa về nhà anh Thắng.

Suốt đêm 17/5, 11 ngư dân trong nhóm tập trung lại tại nhà anh Thắng, thay phiên nhau "canh" giữ khối sắt này. Tới rạng sáng 18/5, mọi người đã tẩy rửa, cào bóc những lớp hàu bám quanh nó.

Ngay trong đêm 18/5, Trung tá Lê Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Sót (BĐBP Hà Tĩnh) cho VietNamNet hay, đơn vị đã lập biên bản sự việc, báo cho các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng để có hướng xử lý.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng giao trách nhiệm cho gia đình anh Thắng phải đảm bảo an toàn, nguyên vẹn và không được mang vật thể này đi bán, để chờ xử lý từ cơ quan chức năng.

Ngày 19/5, trao đổi với VietNamNet, Đại tá Trần Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Hà Tĩnh cho hay, sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã kết hợp cùng với Đồn Biên phòng Cửa Sót, Công an huyện Lộc Hà xuống tận nơi kiểm tra.

"Sau khi lập biên bản sự việc, cơ quan chức năng đang giao cho người dân quản lý. Hiện đơn vị đang cho anh em xác định xem phần đuôi máy bay này thuộc vào giai đoạn nào. Đồng thời xin hướng chỉ đạo xử lý từ Quân khu 4", Đại tá Sơn nói.

Cùng ngày, Đại tá Nguyễn Mạnh Thường, Phó Chỉ huy trưởng BCH BĐBP Hà Tĩnh thông tin thêm, đơn vị này cũng đang cho cán bộ xác định tọa độ - nơi phát hiện ra khối sắt, nghi phần đuôi máy bay. Từ đó sẽ xác định nguồn gốc của vật thể này.

Văn Đức – Duy Tuấn