Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, chiều nay tại Văn phòng Chính phủ, 2 uỷ viên Bộ Chính trị là Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cùng Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân và các bộ ngành sẽ họp thống nhất việc thực hiện tổ chức bộ máy theo nghị quyết 18, TƯ 6, kết luận 34 của Bộ Chính trị và nghị quyết 56 của QH.

Nội dung đang được các địa phương trông đợi - đó là việc sắp xếp, sáp nhập các sở ngành như thế nào.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Sẽ ban hành trong tháng 3

Theo Thứ trưởng Nội vụ, các nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp, sáp nhập một số sở, ban ngành, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có ý kiến.

Một số nội dung sẽ được thống nhất là về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND (tổng số sở ngành của một tỉnh); biên chế tối thiểu của một sở ngành; số lượng cấp phó tối đa trong một sở ngành và tiêu chí để lập một sở ngành, phòng ban.

Liên quan đến những nội dung này, ngoài việc sửa Nghị định 24 và 37 định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, còn phải sửa nhiều nghị định khác có liên quan.

“Chiều nay, sau khi 2 vị lãnh đạo kết luận thì Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ để sớm ban hành các nghị định này trong tháng 3", Thứ trưởng nói.

Đầu tháng 12/2018, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký văn bản gửi UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần nghị quyết 18, TƯ 6 "Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ tạm dừng việc sắp xếp sở ngành, phòng ban để chờ các nghị định của Chính phủ.

Đây là những nghị định làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quàn lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Trước khi có văn bản này của Bộ Nội vụ, nhiều địa phương đã sáp nhập, hợp nhất một số sở ngành. Điển hình như Lào Cai hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng; Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh uỷ với Sở Nội vụ, cơ quan UB Kiểm tra Tỉnh uỷ với Thanh tra tỉnh; Hải Phòng hợp nhất một loạt cơ quan đảng với chính quyền ở cấp huyện…

Theo dự thảo Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến vào tháng 4/2018, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chỉ giữ 4 Sở: Tư pháp, TN&MT, LĐ-TB&XH, Y tế được tổ chức thống nhất trên cả nước. Còn lại hợp nhất, sáp nhập 17 sở, ngành; giảm 46 - 88 sở, ngành.

Một số sở được Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập như: KH&ĐT và Tài chính gọi là Sở Tài chính - Kế hoạch; GTVT với Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng; NN&PTNN với Công thương; KH&CN với GD&ĐT...

Bộ Nội vụ đề nghị các tỉnh tạm dừng sáp nhập sở

Bộ Nội vụ đề nghị các tỉnh tạm dừng sáp nhập sở

Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tạm dừng việc sáp nhập sở ngành, phòng ban.

Thu Hằng