Trong khi con số nhập khẩu chất tạo nạc giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đưa ra vênh nhau một trời một vực thì nhiều tấn hóa chất nguy hại này vẫn trôi nổi trên thị trường.

Tại hội nghị trực tuyến về về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tổ chức vào tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, 9 tháng đầu năm 2015 có tới 68 tấn Salbutamol - chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi, được nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Phát, con số 68 tấn là quá nhiều vì thực tế số lượng chất này được dùng trong y tế là rất ít.

{keywords}

Salbutamol được dùng trong điều trị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bộ trưởng Phát đặt nghi vấn các doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập lậu chất này và bán ra thị trường một cách bất chính cho người chăn nuôi sử dụng trộn vào thức ăn để vật nuôi siêu nạc, mau lớn.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, 9 tháng đầu năm 2015 mới chỉ cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol và chỉ những công ty có số đăng ký các sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập, nhà máy đạt GMP mới được sản xuất.. Việc nhập khẩu Ssalbutamol được căn cứ trên nhu cầu thực tế. Do đó, không có chuyện Bộ Y tế cho phép nhập khẩu đến 68 tấn Salbutamol như thông tin đã đưa.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng để hạn chế việc lạm dụng các chất cấm này Bộ NN&PTNT cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở thức ăn chăn nuôi quy mô lớn.

{keywords}

Lực lượng chức năng thu giữ lượng lớn sản phẩm chứa chất tạo nạc không nằm trong danh mục được phép sản xuất và lưu thông tại VN tại một cơ sở sản xuất thuốc thú y.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược nên không thể có chuyện thuốc được tuồn ra bên ngoài.

Bà Nga cho rằng nguồn Salbutamol đang được người chăn nuôi lạm dụng trộn vào thức ăn để kích thích tăng trưởng, làm tạo nạc có thể từ các con đường nhập lậu.

Như vậy, không biết 64,5 tấn Sabutamol còn lại được đưa vào Việt Nam từ nguồn nào, trôi nổi ngoài thị trường ra sao?

{keywords}

Salbutamol được người chăn nuôi lạm dụng trộn vào thức ăn để kích thích tăng trưởng, tạo nạc

Trong khi đó thông tin từ Tổng cục Hải quan lại khẳng định, số Salbutamol nhập vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2015 là 4,6 tấn (trị giá 330.000 USD). Ngoài ra, còn một loại mã hàng hóa khác được gọi tên là “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa salbutamol đã được đóng gói nhập vào Việt Nam với con số rất lớn là 1,9 triệu bao, với trị giá 9,8 triệu USD.

Ngoài ra, còn hàng trăm ngàn chai, ống, gói với trị giá khoảng hơn nửa triệu USD với tên gọi “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Clenbuterol, Salbutamol cũng đã được nhập về trong nước để sử dụng.

Theo bà Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Salbutamol, Clenbuterol… là hóa chất hoàn toàn được tổng hợp thuộc nhóm chủ vận bêta (bêta-agonist), có tác dụng kích thích thụ thể bêta làm giãn cơ trơn phế quản, do đó thuốc được dùng giãn phế quản, điều trị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhờ làm cho người bệnh thở dễ dàng hơn. Salbutamol và Clenbuterol nếu tồn dư trong thịt sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người khi đưa vào cơ thể. Còn kháng sinh tồn dư trong thực phẩm làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc điều trị cho người. Hiện nay, cả 2 chất tạo nạc này đều bị cấm dùng để trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Cơ quan hải quan cho biết, các mặt hàng có tên hoạt chất là Clenbutarol không thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định của Bộ Y tế. Còn Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thì khẳng định Salbutamol và Clenbuterol là 2 hoạt chất cấm thuộc Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.

M.Thư (tổng hợp)