- “Ra đường đi đâu tôi cũng bị dị nghị, chỉ trỏ. Có lúc vừa gánh nồi bánh canh ra chợ, có người xiên xỏ thẳng mặt nói chồng tôi là kẻ giết người. Tôi ức quá", bà Nguyễn Thị Cẩm, 49 tuổi, vợ của "người tù xuyên thế kỷ" Huỳnh Văn Nén cay đắng kể về tủi nhục 17 năm qua. 

Trong căn nhà cấp bốn, tường gạch nham nhở mà hễ mưa là dột, bà Cẩm ngồi bên ông Nén trong niềm vui khôn tả kể từ ngày ông tại ngoại. Mới đó mà 17 năm trời cách biệt đầy cay đắng, tủi nhục và nước mắt, nay họ mới đoàn tụ.

Lật lại ký ức bi kịch của đại gia đình, bà Cẩm vẫn bồi hồi bởi nỗi đau quá lớn.

Trước khi xảy ra bi kịch, ông Nén làm thuê cho một gia đình ở Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Còn bà phụ bán quán ăn, quán cà phê cho gia đình của chị ruột, là bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1957 – là 1 trong 9 bị can vụ án oan “kỳ án vườn Điều” chấn động). 

{keywords}
Sự khắc khổ suốt 17 năm cay đắng, tủi nhục hằn rõ trên khuôn mặt vợ người tù xuyên thế kỷ Huỳnh Văn Nén

Hai vợ chồng có 3 con trai, lúc đó đứa lớn nhất 8 tuổi và nhỏ nhất hơn 4 tuổi.

Buổi chiều ngày 17/5/1998 trở thành định mệnh.

"Tôi đang phụ giúp bán quán ở nhà chị ruột thì nghe người trong gia đình báo chồng tôi bị công an bắt đưa lên xã", bà Cẩm kể. 

Những thông tin "phong phanh" nghe được chỉ là chồng bị điều tra về cái chết của bà Lê Thị Bông, xảy ra trước đó gần cả tháng trời.

"Ban đầu tôi chỉ nghĩ ông nhà tôi hay rượu chè rồi... nói xằng. Tôi tin ổng không làm chuyện tày đình, chỉ nghĩ là công an đưa đi làm việc rồi lại thả về. Ai dè, họ giữ ở xã 10 ngày rồi đưa đi luôn”, bà Cẩm nhớ lại.

Rồi sau đó là một hành trình dài đằng đẵng tìm đến các nơi giam giữ chồng để tìm hiểu nhưng không ai cho gặp mặt. Có lúc gặp được cán bộ, chỉ nghe thông báo ngắn gọn là đang điều tra về hành vi của ông Nén giết người – cướp tài sản.

Có lúc ức uất, bà phản ứng “các ông nói tào lao” rồi bỏ về.

Chồng bị bắt, bà đưa 3 con chuyển hẳn sang nhà bà Nhung sinh sống tạm bợ, kiếm sống qua ngày. 

“Tôi tin chồng tôi vô tội, sớm muộn gì cũng sẽ về nên cứ chờ đợi, nhưng ai ngờ... đến 17 năm”, bà Cẩm nói.

Oan nghiệt

Nhưng oan nghiệt chưa dừng ở đó. Tháng 12/1998, công an tỉnh Bình Thuận khởi tố, bắt tạm giam 9 người trong gia đình bà Cẩm, được cho là xuất phát từ lời khai của ông Nén về vụ án đánh ghen dẫn đến cái chết và cướp tài sản của bà Dương Thị Mỹ (SN 1955) xảy ra giữa tháng 5/1993, mà sau này được biết đến với cái tên “kỳ án vườn Điều” chấn động. 

Ngoài ông Nén đang bị tạm giam, 8 người còn lại là mẹ ruột, anh chị em ruột và cháu của bà Cẩm. Duy nhất bà Cẩm được tại ngoại, hầu tra vì nhân thân tốt, vai trò liên quan có hạn chế và đang nuôi con nhỏ.

Và mãi 8 năm sau khi bị bắt giữ, 9 thành viên trong gia đình bà Cẩm mới được giải... oan và được bồi thường. Còn ông Nén dính dáng đến vụ án bà Bông nên mãi đến gần 10 năm sau mới được thả trong vụ kỳ án có 1 không 2.

“17 năm trời chồng tôi dính vào 2 vụ án oan sai, thì cũng chừng ấy tôi và các con nói riêng, đại gia đình chịu biết bao khổ cực, tủi nhục, cay đắng... không lời nào tả nổi”, bà Cẩm khẳng định.

{keywords}
Họ chỉ được đoàn tụ với nhau sau 17 năm oan nghiệt

Hết nơi nương tựa, bà lại đưa các con trở lại căn nhà ọp ẹp, sống bằng nghề bán bánh canh, cháo lòng dạo ở chợ Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, chắt chiu từng đồng nuôi con cho đến tận bây giờ.

"Nhiều lúc đêm về tôi ôm mặt khóc, tưởng như gục ngã nhưng nghĩ đến con thì phải giấu nước mắt, gắng gượng bước tiếp”.

Vợ “người tù xuyên thế kỷ” Huỳnh Văn Nén nói rằng, đau đớn nhất là trong hoàn cảnh đó, 3 đứa con đau ốm triền miên, học hành dở dang, lớp 1 – lớp 2 đã phải nghỉ, lớn lên cũng làm thuê, làm mướn, đứa khá nhất giờ làm...lơ xe rồi thành tài xế.

“Ra đường đi đâu tôi cũng bị dị nghị, chỉ trỏ. Có lúc vừa gánh nồi bánh canh ra chợ, vừa ngồi xuống có người xiên xỏ thẳng mặt chồng tôi là kẻ giết người. Tôi ức quá, ngồi đôi co, cự cãi cả hàng giờ liền, nhìn lại quá trưa mà nồi bánh canh còn hơn phân nửa”.

Rồi chuyện cay đắng thăm nuôi chồng trong suốt 17 năm ròng rã. 

"Hễ có tiền thì tôi đi, không có thì thôi. Có lúc nhiều tháng trời, tôi mới có điều kiện đi thăm chồng. Mỗi lần như thế, tôi thường kho nồi cá, mua ít thuốc gửi vào. Còn về tiền bạc, dành dụm vài tháng tôi gửi ông ấy 500 ngàn – 1 triệu đồng”.

Ông Nén ngồi cạnh vợ như xúc động. Hỏi chuyện bồi thường oan sai “thấu trời xanh” sắp tới, ông mong nếu có sẽ dành sửa sang lại căn nhà dột nát, dư dả thì có thể mua xe ô tô cho mấy đứa con chạy dịch vụ kiếm sống.

Bà Cẩm vẫn làm nghề bán bánh canh.

"Dù sao đó là cái nghề đã nuôi sống và giúp gia đình tôi vượt qua hơn 17 năm trời đầy cay đắng, tủi nhục”.

Đàm Đệ - Cao Danh