- Ngay sau thông tin Hà Nội quyết định đốn hạ 6.700 trong số chỉ 50.000 cây xanh của thủ đô, fanpage có tên "6,700 người vì 6,700 cây xanh" đã được lập trên mạng xã hội Facebook ngày 17/3. Hiện đã có 15.000 người thích.

Do một người Đà Nẵng đã sống tại thủ đô 7 năm lập, fanpage bày tỏ không đồng tình với quyết định của thành phố cũng như những giải trình của chính quyền: "Những cây Hà Nội sắp chặt, có những cây đã hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi. Không chỉ đã ở đó cho bóng mát, cho oxy duy trì sự sống, chúng còn là kỉ niệm, là chứng nhân lịch sử, và là những người bạn của chúng ta".

{keywords}
Cây xanh bị đốn hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh sáng 18/3. Ảnh: Nhị Tiến 

Những ý kiến trong fanpage thể hiện quan điểm chấp nhận việc chặt bỏ những cây trồng sai quy hoạch đô thị của thế hệ trước, không phù hợp cảnh quan và môi trường đô thị, cũng như để phục vụ xây dựng các công trình giao thông công cộng quan trọng mà thành phố rất cần. Nhưng theo quan sát và cảm nhận của họ, phần lớn cây trong số 6.700 cây sắp bị chặt bỏ đều đang sung sức, không ảnh hưởng đến giao thông, tính mạng người đi đường, không ảnh hưởng đến cảnh quan.

Từ đó, họ đòi hỏi sự minh bạch của quyết định này: "Chúng tôi muốn mỗi cái cây bị chặt đi, phải có lí do cực kì chính đáng. Nó mục thân? Rễ đội vỉa hè? Có nguy cơ gãy đổ? Không phù hợp với môi trường đô thị? Rồi cây 'vàng tâm' là cây thay thế như thế nào? Vì sao lại chọn loại cây đó? Nó có phù hợp với môi trường không? Và tại sao lại phải 'thay thế đồng bộ'? Những câu hỏi, những thắc mắc đó, chưa ai trả lời cho chúng tôi".

Ngoài việc chia sẻ các thông tin xung quanh sự kiện, những người làm fanpage đang tiến hành các hoạt động thiết thực hơn như thu thập hình ảnh, tư liệu về cây xanh Hà Nội, soạn thư ngỏ lấy chữ ký đề nghị xem xét việc chặt cây, thu hút các chuyên gia, nhà văn hóa vào cuộc...

Fanpage có địa chỉ tại facebook.com/manfortree.

ĐBQH Hà Nội Bùi Thị An: Tôi tin Chủ tịch TP quan tâm vì ông là kiến trúc sư

- Dư luận hiện đang rất quan tâm đến câu chuyện chặt cây xanh tại Hà Nội, với tư cách là ĐBQH và cũng là người dân Hà Nội, bà có chia sẻ gì?

Việc quy hoạch đất phần trăm để lại cho cây xanh đối với thành phố là vô cùng cần thiết, trong tất cả các quy hoạch đều phải đảm bảo tỷ lệ đất cho cây xanh. Việc trồng cây ở Hà Nội, đặc biệt khi thủ đô có mật độ dân số ngày càng tăng, là vô cùng cần thiết.

Với những khu mới, theo tôi quy hoạch phải thiết kế đầy đủ chuyện trồng cây, trồng ở đâu, như thế nào, loại cây gì cho thích hợp với thổ nhưỡng, vừa đảm bảo phát triển, vừa bền vững về môi trường.

{keywords}

Đại biểu Quốc hội Hà Nội Bùi Thị An: Chặt phá đồng loạt là lãng phí. Ảnh: Lê Anh Dũng 

Với các khu cũ, đã có cây, thì phải khảo sát số lượng, chủng loại, tuổi cây, khả năng chịu bão, mức độ sâu mọt..., để nghiên cứu chỉ trồng bổ sung, không nên phá đi toàn bộ. Nếu muốn phá đi toàn bộ để làm thí điểm một phố thì được, chứ phá đồng loạt tôi cho là lãng phí.

Phải có nghiên cứu, khảo sát, khẩn trương nhưng không có nghĩa vội vàng.

- Nhà báo Trần Đăng Tuấn có gửi thư ngỏ đến Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo, rất nhiều người dân đồng tình với nội dung này và mong muốn có sự phản hồi từ phía Chủ tịch TP đến người dân?

Tôi nghĩ chuyện này Chủ tịch TP sẽ quan tâm vì bản thân Chủ tịch là kiến trúc sư, sẽ quan tâm đến kiến trúc của thủ đô, đến thẩm mỹ, sự phát triển hài hòa về tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Chủ tịch sẽ lưu tâm chuyện này và sẽ hành động, sẽ có ý kiến và phản hồi.

Không biết có chủ quan không nhưng tôi nghĩ như thế

- Nhà báo Tuấn cũng có kiến nghị nên tạm dừng việc chặt cây, ý bà thế nào?

Phải xem xét, nếu ý kiến của anh Tuấn là đúng thì nên nghe theo, còn nếu ý kiến của anh Tuấn chưa hợp lý, thành phố đã khảo sát kỹ và có kết luận chính thức rồi thì cứ làm. Tôi nghĩ dừng lại mấy ngày cũng không phải là chậm. Nhưng nếu đã khảo sát, nghiên cứu thì phải công bố lên các phương tiện thông tin cho dân biết.

- Người dân cần có những thông tin cụ thể về dự án quy hoạch, trồng cây gì, chặt cây gì... nhưng điều đó hình như là rất khó?

Nếu nói là quyền của công ty cây xanh cũng đúng, nhưng việc trồng cây xanh lại liên quan đến đời sống của người dân, theo tôi nên tranh thủ ý kiến các nhà khoa học và người dân, làm thế nào vừa  vệ sinh, tiết kiệm, vừa bền vững, đảm bảo ích lợi của người dân.

Việc đó tất nhiên có tiêu chí, nhưng hỏi ý kiến dân không cần lâu mà có thể góp ý được nhiều. Có thể bỏ ra một buổi lấy ý kiến, người dân sẽ góp ý với trách nhiệm cao. Vì thủ đô không phải của riêng Hà Nội mà của cả nước, của tất cả mọi người.

Tôi có đọc ông Phan Đăng Long trả lời về quyền của họ là đúng, nhưng nên kết hợp, phối hợp để làm cho công việc hiệu quả nhất. Đây là trồng cho thủ đô, tức là trồng cho dân thủ đô thì phải để hợp với lòng dân thủ đô một chút.

- Vậy người dân muốn giám sát trong chuyện này thì phải làm thế nào?

Phải kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của thành phố. Nếu là kiến nghị chính đáng của người dân thì các cơ quan công quyền nên xem xét. Chủ tịch TP sẽ lưu tâm, HĐND các quận, huyện nơi đang có chặt cây chắc chắn sẽ có ý kiến. Nguyện vọng của dân là làm cho phù hợp với Hà Nội, tiết kiệm cho Hà Nội, vì tất cả những việc chi từ ngân sách đều là tiền đóng thuế của dân.

Hồng Nhì - Chung Hoàng