- Hiện Việt Nam có khoảng 14 triệu người mắc các bệnh về tim mạch và con số này vẫn không ngừng gia tăng theo từng năm.

Đây là thông tin được PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đưa ra tại lễ chuyển giao kĩ thuật can thiệp tim mạch cho Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy, Quảng Ninh cuối tuần qua.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, trong số các bệnh lý về tim mạch, bệnh mạch vành là nguy hiểm nhất, chiếm tỉ lệ tử vong hàng đầu tại Việt Nam hiện nay với hơn 100.000 người tử vong mỗi năm.

{keywords}
Bệnh nhân được tiến hành chụp mạch số hoá xoá nền công nghệ hiện đại ngay tại tuyến dưới

Thời gian để cứu sống một bệnh nhân mạch vành được ví như cứu hoả, phải điều trị khẩn cấp. Việc chuyển người bệnh từ địa phương này đến địa phương khác sẽ làm mất cơ hội cứu sống người bệnh.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2013 đến nay, chỉ tính riêng tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy tiếp nhận trên 3.700 bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch. Mỗi ngày có 50-60 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó 30% mắc bệnh lý mạch vành.

Trước nhu cầu khám chữa các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt các bệnh về vạch mành, từ tháng 5/2015, Bệnh viện Tim Hà Nội đã hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy thực hiện những ca can thiệp tim mạch đầu tiên.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết, bệnh nhân tim ở các tỉnh rất nhiều, nhưng không có đủ khả năng đi khám bệnh vì BHYT chỉ chi trả một phần, đây là rào cản rất lớn.

“Do vậy, việc chuyển giao kỹ thuật cao giúp người dân ở xa xôi vẫn tiếp cận được những kỹ thuật y tế chất lượng cao góp phần giảm tải cho tuyến trên, giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian và chi phí”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.

Đang nằm điều trị tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa Khoa Bãi Cháy, bà Phạm Thu Nga (72 tuổi, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, vào năm 2014, bà phải lên tận Bệnh viện E Hà Nội để đặt stent động mạch vành trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, tốn 120 triệu đồng, nhưng khi đặt stent tại quê nhà, bà chỉ tốn 30 triệu đồng.

T.Hạnh