Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về thành quả 10 năm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Theo Bộ trưởng Cường, nhận thức được tầm quan trọng trong xử lý môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn, nhiều địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Đến nay, đã có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn; có 42/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...); có 16/63 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý CTR nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh.

Công tác thu gom chất thải được đẩy mạnh, hầu hết các thôn, xã đã hình thành đội thu gom chất thải sinh hoạt (dưới hình thức Tổ tự quản, HTX và có nhiều nơi do các doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm). Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tăng đáng kể qua từng năm,từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% hiện nay, thậm chí có nhiều địa phương cấp huyện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã đạt đến trên 90% (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá; huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình...).

Ở cấp tỉnh, điển hình như tại tỉnh Đồng Nai, lượng CTR sinh hoạt thu gom, xử lý khoảng 1.838 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 98,1%, cao nhất trên cả nước. 

{keywords}
Xây dựng NTM, việc thu gom rác thải được trú trọng nên cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều thay đổi, ngày càng sạch đẹp hơn (ảnh: Lê Anh Dũng)

Bên cạnh đó, công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặc biệt quan tâm. Nhiều địa phương đã hình thành và vận hành hiệu quả mạng lướicác tổ/đội,có sự phối hợp chặtchẽ với doanh nghiệp thu gombao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Bộ trưởng Cường, Chương trình“cùng nôngdân bảo vệ môi trường”đãthực hiện đồng loạttại các tỉnh, thành phố phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau), đã thu gom được khoảng 12.260kg bao bì thuốc bảovệ thực vật các loại đã qua sử dụng và vận chuyển về nhà máy tiêu hủy an toànvới 50 doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảovệ thực vậtđồng hành cùng chương trình, mang lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ xã có điểm thu gom thuốc bảo vệ thực vật cả nước đạt 21,0%.

Điểm đáng chú ý nữa là, ô nhiễm của các làng nghề từng bước được khắc phục. Nhiều địa phương đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng “phương án bảo vệ môi trường làng nghề”. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải/rác thải; số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng giảm mạnh (được xử lý, đóng cửa...). Đến nay, tỷ lệ làng nghề có thu gom nước thải tập trung chiếm 27,6% tổng số làng nghề có nước thải công nghiệp; trong đó tỷ lệ làng nghề có nước thải xử lý tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường chiếm 16,1%; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chiếm 20,9% tổng số làng nghề có chất thải rắn công nghiệp.

Bộ trưởng cho biết, trong quá trình triển khai có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình điểm về xử lý môi trường đã được các địa phương áp dụng hiệu quả.

Ví như mô hình “Công viên - Bãi xử lý rác thải” của Công ty Tân Thiên Phú tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; mô hình thu hồi rác thải hữu cơ để chế biến thành phân compost tại Công ty môi trường xanh Huê Phương tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Những mô hình này phù hợp với từng quy mô (mô hình lò đốt rác đơn giản cấp xã, mô hình cấp huyện - liên huyện, mô hình cấp tỉnh gắn với phát điện).

Theo Bộ trưởng Cường, công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường cũng có sự chuyển biến vượt bậc, tiêu biểu. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn, ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện môi trường, cảnh quan tiếp tục được nâng cao.

Những phong trào như “Sạch làng, đẹp ruộng”; “Thắp sáng làng quê”; …đang dần dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội. Ngày càng có nhiều các tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật... do cộng đồng thành lập, hoạt động theo hình thức tự nguyện. Đặc biệt, nhiều địa phương đã vận động được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi nhà sàn (Hà Giang, Sơn La, Lai Châu...).

Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như: Mô hình “dòng sông không rác”, Mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa” tại Đồng Tháp,Mô hình trồng hoa, cây xanh “Từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông (Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...); mô hình con đường bích họa (Đan Phượng, Hà Nội; Tam Kỳ, Quảng Nam); làng bích họa của đồng bào dân tộc Dao (Móng Cái, Quảng Ninh)... đã góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn, Bộ trưởng Cường cho hay.

Bài: Nguyễn Hoài Linh - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Hồng Phúc - nhóm PV