Lũy kế 11 tháng, PVTrans ước đạt tổng doanh thu hợp nhất đạt 6.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 750 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 104% và 136% kế hoạch năm 2020. Đến nay, PVTrans đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu được giao về doanh thu, lợi nhuận và nộp Ngân sách Nhà nước.

Đây là nỗ lực rất lớn trong một năm đầy thách thức của thị trường vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng dưới tác động mạnh của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy thế giới vào thời kỳ suy thoái. Từ tháng 3/2020, thị trường dầu mỏ chịu tác động kép của cú sốc cung và cầu, dẫn đến giá dầu lao dốc, cá biệt có thời điểm xuống mức âm (-37 USD/thùng). Giá dầu trung bình 10 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 43,9 USD/thùng, giảm 32% so với mức giá trung bình 10 tháng đầu năm 2019 là 65 USD/thùng. Giá dầu Brent hiện tại đang dao động khoảng 41- 44 USD/thùng.

Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển giảm mạnh do đại dịch cũng như suy thoái nền kinh tế dẫn đến khủng hoảng thị trường vận tải biển, nhu cầu đình trệ, kéo theo giá cước giảm. Thị trường vận chuyển cả hàng lỏng và hàng rời đều giảm mạnh. Trong những tháng đầu năm 2020 giá cước vận tải liên tục giảm xuống mức thấp, có những phân khúc giảm tới 70-80%. Giá dầu giảm sâu dẫn đến việc các chủ mỏ, các khách hàng bắt đầu thực hiện các giải pháp ứng phó bằng việc cắt giảm sản lượng, thắt chặt chi phí trong đó có chi phí vận chuyển, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng khai thác tàu liên tục và tác động đến doanh thu, lợi nhuận của PVTrans.

{keywords}
 

Hơn 70% đội tàu hoạt động ở nước ngoài của PVTrans bị ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, hoạt động khai thác tàu của PVTrans trên thị trường quốc tế còn bị tác động tiêu cực khi khu vực khai thác thu hẹp dần. Các tuyến vận tải chính của PVTrans như Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Thái Bình Dương đều hạn chế thông thương nghiêm ngặt giữa các nước trong khu vực và với các vùng nhiễm dịch. Cùng với đó là các khó khăn khác như Mỹ tiếp tục gia tăng các biện pháp cấm vận lên một số quốc gia (Iran, Venezuela, Triều Tiên…), chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Công ước IMO 2020 về hạn chế hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu hàng hải có hiệu lực từ 01/01/2020…

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vận tải nội địa do sức tiêu thụ giảm mạnh, hàng tồn kho cao dẫn đến nhu cầu vận chuyển giảm, cước vận chuyển theo đó cũng giảm sâu. Các đầu mối xăng dầu là các khách hàng của PVTrans kéo dài thời gian thanh toán làm phát sinh công nợ, ảnh hưởng đến dòng tiền của Tổng công ty. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2020 do nhu cầu tiêu thụ giảm, nhà máy bắt đầu dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể từ 12/8/2020 đến 1/10/2020 làm cho nguồn hàng vận chuyển tuyến Dung Quất suy giảm. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng hoạt động dưới công suất, ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của các chủ tàu trong nước.

Không chỉ thị trường giảm mạnh về nhu cầu cũng như về giá, PVTrans còn phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn phát sinh từ công tác phòng chống dịch Covid-19. Các biện pháp kiểm dịch, ngăn ngừa dịch bệnh gây kéo dài thời gian tàu cập, rời cảng, ảnh hưởng đến công tác bố trí, sắp xếp tàu và lên kế hoạch khai thác. Điều này làm giảm hiệu quả khai thác đội tàu khi thời gian chờ trả hàng của tàu lên đến 15-20 ngày, gấp đôi thời gian so với mức bình thường là 7-10 ngày, đồng thời gây phát sinh nhiều chi phí trong hoạt động SXKD như chi phí chờ/xếp hàng, chi phí dừng tàu, chi phí trang bị vật tư y tế phòng dịch, kiểm dịch tàu, chi phí tăng ca/thay ca cho thuyền viên...

{keywords}
 

Bằng nỗ lực và các giải pháp linh hoạt, kịp thời, PVTrans đã đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, liên tục của đội tàu ở cả thị trường nội địa và quốc tế, về đích trước 2 tháng chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch được giao, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.

(Nguồn: PVTrans)